1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bà Nguyễn Thị Bình: Hành động của Trung Quốc là "xâm lược lãnh thổ nghiêm trọng"

(Dân trí) - Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: “Mức độ nghiêm trọng của hành động lần này là Trung Quốc đã ngang ngược vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là hành động xâm phạm chủ quyền của một đất nước mà nói một cách khác đó có thể được coi là hành vi xâm lược lãnh thổ nghiêm trọng.”

Sáng ngày 11/5 tại Hà Nội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức buổi họp ra Tuyên bố phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Sau buổi lễ, bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh việc này.


Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại buổi trao đổi với báo chí sáng ngày 11/5

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại buổi trao đổi với báo chí sáng ngày 11/5

Bà có ý kiến gì khi xem clip tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam được Bộ Ngoại giao công bố trong buổi họp báo quốc tế vào ngày 7/5 vừa qua? Bà có đánh giá gì về mức độ nghiêm trọng của vụ việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam?

Thấy Trung Quốc cử rất nhiều tàu, nhiều máy bay tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tấn công tàu của chúng ta, tôi rất đau lòng.

Tôi nghĩ rằng hành động của Trung Quốc đặt giàn khoan ở tại vị trí hiện nay có thể nói là đã đi sâu vào thềm lục địa của Việt Nam chứ không phải ở gần hay ở ranh giới. Tình hình rất nghiêm trọng và việc làm này đã được Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng và lâu dài, vì vậy Việt Nam không thể không có một phản ứng mạnh mẽ vì đây là chủ quyền đất nước mà chúng ta biết rằng chủ quyền đất nước là vấn đề sống còn của dân tộc. Việt Nam kiên quyết phản đối và nhất định phản đối đến cùng để buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Mức độ nghiêm trọng của hành động lần này là Trung Quốc đã ngang ngược vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là hành động xâm phạm chủ quyền của một đất nước mà nói một cách khác đó có thể được coi là hành vi xâm lược lãnh thổ nghiêm trọng.

Theo bà, trong chiến lược ngoại giao nhân dân, chúng ta cần làm gì để trước tiên cho cộng động quốc tế thấy rõ hành động sai trái của Trung Quốc và ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam?

Sau nhiều năm chiến tranh, chúng ta chỉ mong muốn hòa bình, ổn định và tất cả người dân Việt Nam đều yêu chuộng hòa bình. Thái độ của chúng ta là luôn mong muốn giải quyết mọi vấn đề dưới góc độ hòa bình. Thế nhưng rõ ràng là Trung Quốc không đáp lại thiện chí của chúng ta.

Về cơ bản, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, chúng ta có bằng chứng lịch sử cũng như về mặt luật pháp quốc tế, tuy nhiên, Trung Quốc lại không công nhận điều đó mà lại đưa ra cái gọi là “Đường lưỡi bò” vô căn cứ mà cả thế giới phản đối. Điều này cho thấy Trung Quốc muốn xâm chiếm cả biển Đông, và thực tế hành động của Trung Quốc đã quá rõ ràng rồi.

Tôi nghĩ rằng trong tình hình hiện nay, chúng ta không chỉ sử dụng các vấn đề về chính trị mà chúng ta còn phải sử dụng pháp lý, đó là những yếu tố quan trọng để chúng ta kêu gọi bạn bè thế giới ủng hộ.

Chúng ta chỉ yêu cầu tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chúng ta không yêu cầu bất kỳ điều gì cho nên lẽ phải, chính nghĩa và pháp lý thuộc về chúng ta. Tôi tin rằng, nhân dân thế giới vẫn ủng hộ Việt Nam như họ đã ủng hộ chúng ta trong các cuộc chiến tranh trong quá khứ.

Hiện nay nhiều người dân Trung Quốc có thể đang thiếu thông tin, hoặc đang nhận được những thông tin sai lệch về thực tế, nên dẫn đến những ý kiến, hành xử không thiện cảm với Việt Nam. Trong thời gian tới, các tổ chức nhân dân của Việt Nam nên có những hành động gì để để có thể tăng cường mức độ nhận thức, sự ủng hộ của nhân dân Trung Quốc với vấn đề an ninh biển Đông, thưa bà?

Tôi nghĩ rằng nhân dân Việt Nam rất hiểu thế nào là chiến tranh, nhân dân Việt Nam rất muốn có hòa bình và làm mọi cách để có hòa bình. Theo tôi, nhân dân Trung Quốc cũng rất muốn có hòa bình, và quan hệ hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Hai nước láng giềng có quan hệ tốt với nhau là những điều rất tốt đẹp cho người dân hai nước. Nếu nhân dân Trung Quốc hiểu được sự thật thì họ sẽ không thể nào tán thành những hành động của chính quyền Trung Quốc.

Trước mắt thì do tuyên truyền của Trung Quốc lúc nào cũng đổ lỗi cho phía Việt Nam, nói Việt Nam khiêu khích đã ảnh hưởng phần nào đến nhận thực của người dân Trung Quốc, nhưng sự thật vẫn là sự thật... Tôi tin rằng nhân dân Trung Quốc cũng hiểu được lợi ích chính đáng của họ là gì. Chúng ta sẽ làm và nhờ cả bạn bè quốc tế tuyên truyền, vận động để nhân dân Trung Quốc hiểu ra lẽ phải.

Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục vận động các tổ chức hòa bình phát triển, hữu nghị trên thế giới để họ biết được sự thật và chắc chắn rằng họ sẽ ủng hộ chúng ta.

Trong cuộc kháng chiến vừa qua phong trào đoàn kết ủng hộ Việt Nam là phong trào rộng lớn nhất trong lịch sử vì chúng ta có chính nghĩa, chúng ta có thái độ đàng hoàng, chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chính quyền, đồng thời từng bước cũng ghi được các thắng lợi về nhiều mặt, nhân dân, chính phủ các nước ủng hộ chúng ta ngày càng nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, tạo cho chúng ta sức mạnh.

Nam Hằng (Ghi)