1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ba Lan nói chỉ cần một tiểu đoàn để “cầm chân” Nga

(Dân trí) - Cuộc khẩu chiến giữa Nga và Ba Lan chưa có dấu hiệu lắng xuống sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo đặt quốc gia thành viên NATO này trong tầm ngắm tên lửa. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan hôm qua đã kịch bản chỉ cần dùng 1 tiểu đoàn để “cầm chân” Nga nếu xảy ra một cuộc tấn công.


NATO dự kiến sẽ tăng cường lực lượng luân phiên tại Ba Lan sau hội nghị của khối vào tháng 7 tới. (Ảnh minh họa: Reuters)

NATO dự kiến sẽ tăng cường lực lượng luân phiên tại Ba Lan sau hội nghị của khối vào tháng 7 tới. (Ảnh minh họa: Reuters)

Hãng tin RT của Nga trích dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz trả lời phỏng vấn trang Defense News cho biết, chỉ cần một tiểu đoàn luân phiên của NATO ở Ba Lan cũng đủ để ngăn chặn Nga trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm chiếm.

Ông Macierewicz nói: “Mặc dù các đơn vị của NATO ở khu vực Baltic không thể đánh bại Nga trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm chiếm, nhưng họ có thể giúp quân đội Ba Lan trì hoãn cuộc tấn công trong lúc chờ các đồng minh tăng viện và đáp trả”.

Bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận sẽ triển khai thêm lực lượng đồn trú tại Ba Lan cũng như các quốc gia vùng Baltic khác sau hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra tại Warsaw vào tháng 7 tới. NATO dự kiến sẽ đóng 4 tiểu đoàn ở khu vực này, gồm Ba Lan Lithuania, Estonia, và Latvia. Tuy nhiên, hiện chưa rõ quân số cụ thể của mỗi tiểu đoàn. Thông thường một tiểu đoàn của Mỹ gồm khoảng 800 binh sỹ.

Việc NATO tăng cường lực lượng ở các nước Đông Âu thời gian gần đây đang khiến Nga “nóng mặt”. Đáp trả lại kế hoạch của NATO, giới chức Nga cũng công bố kế hoạch lập 3 sư đoàn mới với khoảng 10.000 quân mỗi sư đoàn để đồn trú dọc biên giới châu Âu.

Hồi tháng 5, Mỹ và các đồng minh NATO đã kích hoạt một phần lá chắn tên lửa ở Romania và tiếp đến là Ba Lan. Khi hoàn thành, hệ thống này sẽ bao phủ từ Greenland tới quần đảo Azores (thuộc Bồ Đào Nha) trên Đại Tây Dương. Toàn bộ lá chắn tên lửa cũng bao gồm các tàu và radar trên khắp châu Âu. Hệ thống này sẽ được bàn giao cho NATO trong tháng 7 tới và với trung tâm chỉ huy đặt tại Đức.

Nga ngay sau đó đã lên tiếng chỉ trích và cho rằng hệ thống này đe dọa an ninh của Nga. Trong chuyến công du Hy Lạp tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo đặt Ba Lan và Romania trong tầm ngắm tên lửa của Nga vì đã cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ nước này.

Ba Lan đã đáp trả cảnh báo với khẳng định rằng, hệ thống lá chắn tên lửa nói trên chỉ mang tính chất phòng vệ trước nguy cơ một cuộc tấn công tên lửa từ Trung Đông và không đe dọa an ninh của Nga. Mặt khác, Ngoại trưởng Ba Lan Witold Waszczykowski nhấn mạnh: “Sự hiện diện quân sự của các lực lượng của Mỹ và NATO tại Ba Lan là hành động nhằm đối phó với Nga, những người đang đe dọa chúng tôi”.

Minh Phương

Tổng hợp