Ba Lan nhận "hỏa thần" HIMARS đầu tiên từ Mỹ
(Dân trí) - Ba Lan đã nhận được lô pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) đầu tiên do Mỹ sản xuất trong bối cảnh xung đột tại Ukraine leo thang.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak và các quan chức quân sự đã tham dự buổi lễ tiếp nhận các hệ thống pháo phản lực HIMARS tại một căn cứ không quân ở Warsaw hôm 15/5.
Ông Blaszczak cho biết cuộc xung đột ở Ukraine đã chứng minh giá trị của HIMARS và Ba Lan, một nước thành viên NATO, đang tìm cách mua thêm HIMARS, với mục tiêu mua khoảng 500 hệ thống này.
"Chúng tôi đang theo dõi những diễn biến ở Ukraine và chúng tôi biết rằng pháo binh đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến, trong việc đẩy lùi chiến dịch quân sự của Nga", Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan nhấn mạnh.
Theo hợp đồng năm 2019, Ba Lan sẽ chi khoảng 414 triệu USD để mua 18 bệ phóng HIMARS tác chiến và 2 bệ phóng HIMARS huấn luyện, cùng đạn dược và thiết bị liên quan. Thỏa thuận bao gồm cam kết về hậu cần và huấn luyện.
"Nhiệm vụ của họ sẽ là ngăn chặn đối tượng tấn công và củng cố lực lượng vũ trang của Ba Lan ở sườn phía đông của Ba Lan và NATO", Bộ trưởng Blaszczak nói.
Nhà thầu quốc phòng đình đám Lockheed Martin của Mỹ mô tả HIMARS là một hệ thống có độ tin cậy cao, đã được kiểm chứng trong chiến đấu, "vượt quá mọi yêu cầu về hiệu suất". Tổ hợp này có tầm bắn khoảng 80km đối với đạn pháo thông thường và có thể lên tới 300km với tên lửa chiến thuật.
Sau khi được Mỹ chuyển giao HIMARS, quân đội Ukraine đã liên tục tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào tuyến đường tiếp vận và mục tiêu quân sự quan trọng của Nga, gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng cho lực lượng Nga tại Ukraine.
Ngoài Ba Lan, các nước Lithuania, Latvia, Estonia, Hà Lan cũng đặt mua hệ thống uy lực này.