Ba Lan khẩn trương nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa sau bài học Ukraine
(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Ba Lan thông báo nước này đã đề nghị Mỹ cho phép mua thêm 6 hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại Patriot.
Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak cho biết Ba Lan đang khởi động giai đoạn hai của chương trình phòng thủ tên lửa tầm trung. Do đó, nước này đã đề nghị chính phủ Mỹ cho phép mua 6 hệ thống tên lửa Patriot cùng các thiết bị liên quan.
"Chúng tôi đang xúc tiến thương thảo các hợp đồng về giai đoạn hai của chương trình phòng thủ tên lửa Wisla. Tôi đã ký một lá thư đề nghị gửi đến chính phủ Mỹ liên quan đến việc mua thêm 3 sư đoàn hoặc 6 khẩu đội của hệ thống Patriot, bao gồm các radar đa hướng, bệ phóng tên lửa và một cơ số đạn dự trữ", Bộ trưởng Blaszczak tiết lộ.
Giá trị của hợp đồng trên hiện chưa được công bố. Tuy nhiên, theo các nguồn tin thân cận với Bộ Quốc phòng Ba Lan, con số này sẽ nhiều hơn so với khoản thanh toán gần 5 tỷ USD mà Warsaw chi cho các sư đoàn tên lửa Patriot trong giai đoạn một của dự án.
Việc Ba Lan khẩn trương xúc tiến giai đoạn hai của chương trình phòng thủ tên lửa được cho là liên quan đến nguy cơ cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ lan rộng trong tương lai.
"Chúng tôi rút ra bài học từ những gì đang xảy ra tại quốc gia láng giềng Ukraine. Cuộc xung đột Nga - Ukraine giúp chúng tôi nhận ra vai trò của hệ thống phòng không trong việc bảo vệ lãnh thổ Ba Lan", Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia quân sự, các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot mà Ba Lan đang đề nghị Mỹ chuyển giao có cấu hình cùng sức mạnh vượt trội so với các hệ thống mà Warsaw đang sở hữu.
Với hệ thống cảm biến đa hướng có khả năng phát hiện tên lửa đối phương và điều khiển hỏa lực hiện đại được nhà sản xuất Raytheon phát triển, các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot có khả năng truy tìm và tiêu diệt không chỉ tên lửa hành trình mà còn cả các máy bay chiến đấu của đối phương với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Theo thông tin mới nhất, quân đội Mỹ đã thử nghiệm thành công hệ thống cảm biến đa hướng này và đang cân nhắc việc xuất khẩu hệ thống phòng không Patriot được nâng cấp sớm nhất là vào năm tài khóa 2023.
Trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Ba Lan được biết đến như là một trong những đồng minh thân cận nhất của chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky tại châu Âu. Không chỉ cung cấp viện trợ, Ba Lan còn cung cấp địa điểm để các chuyên gia phương Tây huấn luyện sử dụng vũ khí hiện đại cho quân đội Ukraine. Warsaw cũng đảm nhiệm vai trò trạm trung chuyển cho các khí tài phương Tây gửi đến Ukraine. Để trả đũa, Nga đã quyết định dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan kể từ hôm 27/4.