DMagazine

Azerbaijan tìm kiếm những "chân trời mới" để phát triển quan hệ hợp tác

(Dân trí) - Đại sứ Anar Imanov khẳng định, Azerbaijan mong muốn làm sâu sắc và tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia, trong đó có quan hệ hữu nghị với Việt Nam.

AZERBAIJAN TÌM KIẾM NHỮNG "CHÂN TRỜI MỚI" ĐỂ PHÁT TRIỂN QUAN HỆ HỢP TÁC

Đại sứ Anar Imanov khẳng định, Azerbaijan mong muốn làm sâu sắc và tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia, trong đó có quan hệ hữu nghị với Việt Nam.  

Ngày 18/10/2021 đánh dấu 30 năm ngày Azerbaijan khôi phục độc lập. Nhân dịp này, Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí về những thành tựu của đất nước 30 năm qua, và những mong đợi của ông về tương lai quan hệ Việt Nam - Azerbaijan.

Thưa Đại sứ, xin ông cho biết những thành tựu lớn mà Azerbaijan đạt được trong những năm qua?

Một trong những thành tựu quan trọng nhất của Azerbaijan là khôi phục và củng cố nền độc lập của mình, và năm nay, vào ngày 18/10, Azerbaijan sẽ đánh dấu 30 năm sự kiện quan trọng này. Năm 1991, Azerbaijan khôi phục độc lập và tuyên bố kế thừa về mặt chính trị và pháp lý của Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan, vốn được thành lập vào năm 1918 và chỉ tồn tại trong 23 tháng. Mặc dù có thời gian tồn tại ngắn ngủi, Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan đã đi vào lịch sử với tư cách là nhà nước dân chủ và thế tục đầu tiên ở phương Đông.     

Những năm đầu độc lập vô cùng khó khăn đối với Cộng hòa Azerbaijan. Đất nước bị suy yếu đáng kể trước cuộc xâm lược ngày càng mở rộng của Armenia, dẫn đến việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ và hơn 1 triệu người tị nạn và những người di cư nội địa trên chính quê hương của họ. Thêm vào đó, nhà nước non trẻ phải đối mặt với cuộc tranh giành quyền lực bên trong và sự suy thoái của nền kinh tế. Việc lãnh tụ Heydar Aliyev trở lại nắm quyền vào năm 1993 theo yêu cầu của quần chúng là rất quan trọng đối với lịch sử của Azerbaijan và sứ mệnh cứu rỗi của ông đã giúp Cộng hòa Azerbaijan bảo tồn nền độc lập của mình. Trước hết, ông đã cố gắng ngăn chặn chiến tranh và ký kết một lệnh ngừng bắn vào năm 1994, cũng như thúc đẩy sự ổn định chính trị trong nước. 

Azerbaijan là quốc gia lớn nhất ở Nam Caucasus, nằm ở ngã tư giữa châu Âu và châu Á và có vị trí chiến lược đối với các mối quan hệ kinh tế và văn hóa ở khu vực.

Để biến Azerbaijan mới độc lập thành một quốc gia hiện đại, hùng mạnh với sự phát triển kinh tế bền vững, lãnh tụ Heydar Aliyev đã xác định chiến lược dầu mỏ sẽ là trọng tâm trong việc chuyển đổi cơ bản các cải cách kinh tế và chính trị trong tương lai. Hợp đồng dầu mỏ lớn đầu tiên với các công ty quốc tế để phát triển các mỏ dầu của Azerbaijan được ký kết vào năm 1994, được biết đến với tên gọi "Hợp đồng thế kỷ", và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài và việc xây dựng đường ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Ceyhan năm 2005 đã rót hàng tỷ USD vào nền kinh tế. Azerbaijan đã dành phần lớn doanh thu từ dầu mỏ cho đầu tư công, bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, đường xá, bến cảng, sân bay và đường sắt.

Song song với việc khai thác "Vàng đen", "Vàng con người" cũng được quan tâm đầu tư: Những cải cách xã hội nhằm nâng cao phúc lợi của người dân đang được tiến hành, những nguồn lực lớn đang được dành cho giáo dục và khoa học, đào tạo và văn hóa. Các biện pháp tuyệt vời được thực hiện dưới nhiệm kỳ của lãnh tụ Heydar Aliyev đã biến Azerbaijan trở thành một trong những quốc gia hàng đầu của khu vực trên nhiều lĩnh vực. Kể từ đó, quá trình xây dựng quân đội hiện đại bắt đầu đặt nền móng vững chắc cho việc giải phóng các vùng lãnh thổ của Azerbaijan bị chiếm đóng.      

Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Ilham Aliyev đã tiếp tục thành công chính sách của lãnh tụ Heydar Aliyev từ năm 2003. Dưới sự lãnh đạo của ông, Azerbaijan liên tục thực hiện các dự án quy mô lớn và cải cách kinh tế, thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả để đảm bảo phát triển nhanh chóng và cải thiện cuộc sống của người dân - xây dựng, phát triển thành công quan hệ với các nước hàng đầu thế giới và các tổ chức quốc tế có ảnh hưởng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, củng cố vị trí và vai trò của mình trong hệ thống quan hệ quốc tế. 

Bằng việc xây dựng đường ống Baku-Tbilisi-Erzurum và tham gia vào các đường ống dẫn khí đường ống xuyên Anatolian (TANAP) và đường ống xuyên Adriatic (TAP) đã nâng cao vai trò của Azerbaijan trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu. Đường sắt Baku-Tbilisi-Kars, Cảng biển Thương mại Quốc tế Baku và sự tham gia vào các hành lang vận tải Tây-Đông và Bắc-Nam mang đến cho Azerbaijan cơ hội trở thành trung tâm vận tải và logistics quốc tế kết nối châu Âu và châu Á.   

Nhờ chính sách này, Azerbaijan đã đạt được ưu tiên chính của mình - khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ. Việc giải quyết xung đột với Armenia sẽ góp phần khôi phục hòa bình lâu dài và sự phát triển của toàn khu vực.

Xin Đại sứ có thể cập nhật thông tin mới về khu vực Nagorno-Karabakh sau cuộc xung đột hồi năm ngoái? Theo ông, làm thế nào để duy trì hòa bình tại khu vực này? 

Hãy để tôi bắt đầu bằng cách nói rằng sau khi giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của chúng tôi, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã tuyên bố rằng không có thực thể địa lý nào dưới tên gọi Nagorno-Karabakh trên lãnh thổ của Azerbaijan. Tên hành chính này được đặt cho khu vực này theo quyết định của chính phủ Liên Xô. Trên thực tế, Karabakh bao gồm các vùng núi và vùng đất thấp. Cho đến nay, tên cũ được dịch theo nghĩa đen từ tiếng Nga, có nghĩa là "Karabakh miền núi". Tổng thống Aliyev đã thông qua quyết định dựa trên cơ sở không phân chia vùng Karabakh thành hai phần - miền núi và vùng đất thấp, vì vậy tên chính xác của khu vực là Karabakh. Phát biểu tại khóa họp thứ 76 của Liên Hợp Quốc (LHQ), Tổng thống Aliyev đã kêu gọi cộng đồng thế giới gọi một cách chính xác khu vực này là Karabakh.             

Azerbaijan đã theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập kể từ khi giành được độc lập vào năm 1991. Azerbaijan xây dựng chính sách đối ngoại trên nguyên tắc tôn trọng các tiêu chuẩn và chuẩn mực luật pháp quốc tế, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và các nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ.

Sau "Chiến tranh Vệ quốc" kéo dài 44 ngày, Azerbaijan đã giải phóng các lãnh thổ của mình vốn bị Armenia chiếm đóng trong gần 30 năm. Ở một số vùng của Karabakh, cộng đồng người Armenia đang tiếp tục sinh sống và theo Tuyên bố 3 bên đã ký kết nhằm chấm dứt chiến tranh của các nhà lãnh đạo Azerbaijan, Nga và Armenia, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã được triển khai đến một số vùng của Karabakh để giám sát việc thực hiện thỏa thuận. Azerbaijan coi sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga trong khu vực này là một giai đoạn chuyển tiếp cho đến khi quá trình tái hòa nhập của các công dân Azerbaijan có quốc tịch Armenia sống ở Karabakh hoàn tất.    

Để khôi phục hòa bình lâu dài và bền vững ở Karabakh, tất cả các bên cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố ba bên được ký kết sau cuộc chiến kéo dài 44 ngày vào ngày 10 tháng 11 năm 2020. Đặc biệt là trong việc khôi phục quan hệ giao thông vận tải và kinh tế. Về vấn đề này, việc mở của hành lang Zangezur kết nối Azerbaijan với phần lãnh thổ Nakhchivan là vô cùng quan trọng. Thật không may, Armenia gây nguy hiểm cho điều khoản này của Tuyên bố.              

Azerbaijan cũng đã tuyên bố thiện chí và ý định phân định và cắm mốc biên giới giữa hai nước. Và điều quan trọng, Azerbaijan đã bày tỏ sự sẵn sàng ký kết hiệp định hòa bình trên cơ sở hai bên thừa nhận toàn vẹn lãnh thổ của nhau. 

Phía Azerbaijan hết sức tin tưởng và cho rằng một thỏa thuận hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia sẽ mang đến hòa bình và phát triển bền vững ở khu vực Nam Caucasus. 

Xin Đại sứ có thể nói rõ về chính sách đối ngoại của Azerbaijan trong thời kỳ mới? 

Azerbaijan tìm kiếm những chân trời mới để phát triển quan hệ hợp tác - 1

Tháp Lửa - một công trình kiến trúc độc đáo tại thủ đô Baku, Azerbaijan. Công trình được thiết kế giống 3 ngọn lửa khổng lồ, được bao phủ bởi màn hình LED, tạo ánh sáng rực rỡ, tuyệt đẹp về đêm (Ảnh: ĐSQ: Azerbaijan).

Nói về kỷ nguyên mới trong chính sách đối ngoại của Azerbaijan, trước hết tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi đã đạt được mục tiêu chính - Azerbaijan khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của mình bằng cả con đường chính trị và quân sự, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có 4 nghị quyết của hội đồng Bảo An LHQ vào năm 1993 về việc rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện các lực lượng vũ trang Armenia khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng.    

Hiện tại, ưu tiên chính của chúng tôi là đảm bảo hòa bình bền vững trong khu vực, củng cố nền độc lập của đất nước và phát triển các quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ trong khu vực. Song song với đó, Azerbaijan đã phát triển một số ưu tiên chính sách đối ngoại quan trọng để tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế. Ưu tiên đầu tiên là kiềm chế việc tham gia các liên minh quân sự và duy trì tính trung lập trên thực tế trong khu vực. Azerbaijan tích cực tham gia vào các khuôn khổ hợp tác khu vực hiện có đồng thời đề xuất thành lập các thể chế và nền tảng đa phương mới. 

Chúng tôi đã thúc đẩy sự tham gia và hợp tác tích cực với LHQ và các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc; Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu; Liên minh châu Âu và các tổ chức của Liên minh châu Âu, bao gồm Nghị viện và Hội đồng châu Âu; Tổ chức Hợp tác Kinh tế; và nhiều tổ chức khác. Azerbaijan là một thành viên tích cực của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và thường tổ chức các cuộc họp cấp cao của ủy ban. 

Azerbaijan luôn là một thành viên rất tích cực của LHQ. Chúng tôi đã từng được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ cách đây 10 năm với sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng quốc tế. 155 quốc gia đã ủng hộ ứng cử của chúng tôi và đó là một minh chứng cho uy tín quốc tế của đất nước và chính sách đối ngoại tích cực. Năm 2011, Azerbaijan được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ - một cơ hội quan trọng để tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình cũng như đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu về đảm bảo hòa bình và an ninh bền vững. trên thế giới. Năm 2019, Azerbaijan trở thành Chủ tịch Phong trào Không liên kết (NAM) - một thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng khác. Với hơn 120 thành viên, tổ chức này sở hữu tiếng nói mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Hợp tác đa phương không chỉ diễn ra về mặt chính trị mà còn về các vấn đề kinh tế và kết nối. Điều này được thể hiện qua hành lang trung chuyển Đông Tây và Bắc Nam, có sự tham gia của Iran và Nga; dự án đường sắt khu vực Baku-Tbilisi-Kars, cũng như các dự án năng lượng toàn cầu như đường ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Ceyhan, Baku-Tbilisi-Erzurum, đường ống xuyên Anatolian (TANAP) và đường ống xuyên Adriatic (TAP).  

Đồng thời Azerbaijan đang tìm kiếm những "chân trời" để phát triển quan hệ đối tác và hợp tác mới với các tổ chức quốc tế như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Phi, Tổ chức hợp tác Thượng Hải hay các tổ chức của Mỹ La-tinh.

Việc thu hút vốn nước ngoài để thực hiện các dự án phát triển kinh tế đất nước nhằm bảo vệ hiệu quả hơn lợi ích quốc gia có vai trò to lớn trong chính sách đối ngoại của Azerbaijan trong thế giới ngày nay. Do đó, Azerbaijan đã lựa chọn hướng đi dân chủ, xác định nhiệm vụ của mình trong việc thiết lập và phát triển các mối quan hệ song phương và đa phương cùng có lợi với các nước láng giềng và các nước ở xa trên các lĩnh vực khác nhau.

Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh khu vực và đối tác chiến lược chính của Azerbaijan kể từ khi giành độc lập. Về mặt lịch sử, mối quan hệ ngôn ngữ và văn hóa mạnh mẽ hiện có được hỗ trợ bởi các dự án năng lượng khu vực như đường ống dẫn dầu và khí đốt, đường sắt khu vực mới và các dự án kết nối, hợp tác quân sự và nhân đạo, cũng như các khoản đầu tư song phương trong lĩnh vực phi dầu mỏ. Các nhà lãnh đạo của cả hai nước đã phát triển sự hiểu biết sâu sắc về các ưu tiên của nhau và dựa vào nhau trong hợp tác khu vực và phối hợp chung xung quanh các sáng kiến chính sách ưu tiên.

Azerbaijan mong muốn làm sâu sắc và tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các quốc gia có chủ quyền, trong đó có quan hệ hữu nghị với Việt Nam.  

Azerbaijan tích cực làm việc song phương với nhiều nước để phối hợp về các vấn đề chính trị và phát triển các cơ hội kinh tế, bao gồm cả thương mại và đầu tư. Vì vậy, các ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Azerbaijan là thiết lập hòa bình và ổn định khu vực, thực hiện các dự án hợp tác và vận tải lớn. 

Tôi muốn nhấn mạnh rằng một trong những thành tựu chính của Azerbaijan là tuân theo chính sách đối ngoại độc lập. Ngày nay Azerbaijan là một quốc gia tự cung tự cấp đóng một vai trò tích cực trên trường quốc tế.   

Là đại sứ đầu tiên của Azerbaijan tại Việt Nam, ông có chia sẻ gì về công việc của mình trong thời gian qua và những dự định trong tương lai?     

Tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ Cộng hòa Azerbaijan tại Việt Nam vào năm 2013, cho đến nay là năm thứ 9 của tôi ở đất nước xinh đẹp và tuyệt vời này. Trong thời gian này, tôi cố gắng làm hết sức mình để phát triển và củng cố quan hệ song phương giữa hai nước trên tất cả các cấp độ và lĩnh vực. Tôi đặc biệt lưu ý tới việc các chuyến thăm lẫn nhau của Tổng thống Azerbaijan và Việt Nam trong hai năm 2014 và 2015 đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ giữa các nước. 

Bên cạnh đó, việc thiết lập các mối quan hệ hiệu quả giữa các nghị viện, các đảng cầm quyền và các cơ quan chính phủ, quan hệ giữa nhân dân với nhân dân cũng đóng một vai trò quan trọng. Hai nước đặc biệt chú ý đến sự phát triển của quan hệ kinh tế với việc thành lập Ủy ban liên chính phủ Azerbaijan - Việt Nam về Kinh tế, Thương mại, Khoa học và Kỹ thuật. Hai cuộc họp đã được tổ chức và chúng tôi đang mong đợi cuộc họp thứ 3. Đối ngoại nhân dân cũng là ưu tiên của chúng tôi và về mặt này, sự hợp tác tích cực và hiệu quả với Hội Hữu nghị Việt Nam - Azerbaijan và Trung tâm Văn hóa, Lịch sử và Khoa học Azerbaijan đóng một vai trò quan trọng.           

Nhằm thông tin đến nhân dân Việt Nam thông tin chính xác về Azerbaijan và sự phát triển của quan hệ song phương, Đại sứ quán thường xuyên tổ chức các hội nghị, bàn tròn, hội thảo và các sự kiện khác. Mục đích chính của các sự kiện này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhân dân hai nước.

Thật không may, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiều chuyến thăm theo kế hoạch và các hoạt động khác. Năm tới sẽ đánh dấu kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa Azerbaijan và Việt Nam. Tôi hy vọng rằng khi đó, dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát hoàn toàn và chúng ta sẽ chứng kiến các mối quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực được tái khởi động.

Tháp Maiden tại thủ đô Baku_ĐSQAzerbaijan

Tháp Maiden - một di tích nổi tiếng tại thủ đô Baku, Azerbaijan. Đây là một phần của Thành cổ Baku được xây dựng vào thế kỷ 12 bao quanh thành phố Baku (Ảnh: ĐSQ Azerbaijan).