1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Australia tìm đồng minh để gây sức ép với Nga vụ MH17

(Dân trí) - Australia có thể đề nghị các đồng minh châu Âu và Mỹ phối hợp để gây sức ép với Nga sau khi cáo buộc Moscow có liên quan đến vụ bắn rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines.


Đại sứ Nga tại Australia Grigory Logvinov (Ảnh: Australian Financial Review)

Đại sứ Nga tại Australia Grigory Logvinov (Ảnh: Australian Financial Review)

Một nguồn tin an ninh cấp cao Australia ngày 29/5 cho biết với The Australian Financial Review rằng, do các nước có liên quan đến vụ việc của MH17 có rất ít tầm ảnh hưởng ngoại giao so với Nga, nên Australia có thể tìm kiếm thêm các đồng minh lớn để gây sức ép ngoại giao với Nga. “Tất cả các phương án đều được để ngỏ. Sẽ không thể tác động (đến Nga) nếu chúng tôi đơn phương. Do vậy, nếu cần thiết, chúng tôi sẽ đề nghị các đồng minh hỗ trợ”, nguồn tin trên cho biết.

Động thái trên của Australia có thể sẽ khiến quan hệ giữa Australia và Nga căng thẳng hơn nữa sau khi Đại sứ Nga tại Australia hôm 27/5 tức giận bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga có vai trò trong thảm kịch MH17.

Giới chức Australia và Hà Lan cuối tuần qua cáo buộc Nga có liên quan trực tiếp đến vụ bắn rơi máy bay MH17 vào ngày 17/7/2014. Cáo buộc dựa trên báo cáo của Nhóm điều tra chung (JIT) gồm các nhà điều tra từ Australia, Bỉ, Malaysia, Hà Lan và Ukraine. Báo cáo cho rằng, MH17 đã bị bắn rơi bởi hệ thống tên lửa BUK thuộc sở hữu của Lữ đoàn 53 của quân đội Nga. Hệ thống này được chuyển từ Nga đến miền đông Ukraine và nhanh chóng được đưa trở lại Nga sau thảm kịch MH17, báo cáo cho biết.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói: “Dựa trên các kết quả điều tra, hiện giờ chúng tôi chỉ có thể kết luận là Nga có liên quan trực tiếp đến vụ bắn hạ MH17”.

Ngoài ra, Australia và Hà Lan cũng yêu cầu Nga phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân.

Về phía Nga, Moscow đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc liên quan đến vụ bắn rơi MH17. Tổng thống Vladimir Putin tuần trước tuyên bố chỉ chấp nhận kết quả điều tra vụ việc MH17 khi Nga được tham gia điều tra. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng lên tiếng chỉ trích yêu cầu đòi bồi thường của Australia và Hà Lan là vô lý.


Hiện trường vụ bắn rơi máy bay MH17 ở miền đông Ukaine năm 2014 (Ảnh: Australian Financial Review)

Hiện trường vụ bắn rơi máy bay MH17 ở miền đông Ukaine năm 2014 (Ảnh: Australian Financial Review)

Máy bay Boeing 777 mang số hiệu chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine vào ngày 17/7/2014 khi đang trong hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur (Malaysia). Vụ việc khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn từ 10 quốc gia khác nhau thiệt mạng, trong đó chủ yếu là công dân Hà Lan.

Minh Phương

Theo Australia Financial Review