1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Australia nói thỏa thuận với Mỹ, Anh không phải "liên minh quốc phòng"

Thành Đạt

(Dân trí) - Australia đã xoa dịu những lo ngại của các nước trong khu vực về kế hoạch mua tàu ngầm hạt nhân thông qua thỏa thuận chung với Anh và Mỹ, khẳng định đây "không phải là liên minh quốc phòng".

Australia nói thỏa thuận với Mỹ, Anh không phải liên minh quốc phòng - 1

Thủ tướng Australia Scott Morrison (giữa) dự cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden để thông báo thỏa thuận AUKUS (Ảnh: EPA).

Trong tuyên bố ngày 20/9, Đại sứ Australia tại ASEAN Will Nankervis cho biết, thỏa thuận của Australia với Mỹ và Anh sẽ không làm thay đổi "cam kết của Australia đối với ASEAN cũng như sự ủng hộ liên tục của Australia đối với cấu trúc khu vực do ASEAN dẫn đầu".

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 15/9 đã công bố một thỏa thuận hợp tác an ninh - quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay còn gọi là thỏa thuận AUKUS.

AUKUS tạo tiền đề chuyển giao hàng loạt công nghệ tiên tiến và năng lực quốc phòng cho Australia - một quốc gia có vị trí quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ. AUKUS được đánh giá là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, song đã khiến Pháp "phật lòng".

Đại sứ Nankervis khẳng định thỏa thuận mới với Mỹ và Anh "không phải là một hiệp ước hay liên minh quốc phòng". Ông cho biết Australia cam kết tiếp tục thúc đẩy một "khu vực hòa bình, ổn định", trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Tuyên bố của Đại sứ Nankervis được đưa ra sau khi có nhiều lo ngại từ một số nước Đông Nam Á về thỏa thuận 3 bên lịch sử của Australia, Anh và Mỹ.

Mặc dù Australia khẳng định không trang bị vũ khí hạt nhân cho tàu ngầm, nhưng Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết ông lo ngại thỏa thuận AUKUS có thể "kích động một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân" tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Đồng thời, thỏa thuận sẽ kích động các cường quốc khác hành động mạnh mẽ hơn trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông. Là một quốc gia trong ASEAN, Malaysia giữ nguyên tắc duy trì ASEAN như một khu vực hòa bình, tự do và trung lập", ông Yaakob nói trong một tuyên bố hôm 18/9 sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Australia Scott Morrison.

Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết nước này "quan ngại sâu sắc về việc tiếp tục chạy đua vũ trang và tăng cường quyền lực trong khu vực", đồng thời kêu gọi Australia duy trì cam kết đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, quốc gia duy trì quan hệ chiến lược chặt chẽ với Mỹ, cho biết ông hy vọng thỏa thuận AUKUS sẽ "đóng góp một cách tích cực vào hòa bình và ổn định của khu vực, đồng thời bổ trợ cho cấu trúc khu vực".

Trong tuyên bố ngày 20/9, Đại sứ Nankervis đã lên tiếng xoa dịu những lo ngại này, khẳng định Australia là nước ủng hộ mạnh mẽ "trật tự hàng hải dựa trên luật lệ", trong đó tôn trọng nhu cầu của các quốc gia tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Nhà ngoại giao cho biết "quan hệ đối tác và hợp tác tích cực" là trọng tâm trong cách tiếp cận ngoại giao của Australia trong khu vực.

Sau khi xem xét AUKUS, các nhà phân tích ngoại giao khu vực cho biết, các quốc gia ASEAN có lý do chính đáng để lo ngại về thỏa thuận này, vì Australia không tham gia Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng các nước có thể lo ngại phản ứng của Trung Quốc trước thỏa thuận tàu ngầm của Mỹ và các đồng minh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm