1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Australia - Mỹ bắt tay chế tạo tên lửa siêu thanh đối phó Nga - Trung

Đức Hoàng

(Dân trí) - Australia sẽ hợp tác với Mỹ để phát triển tên lửa hành trình siêu thanh nhằm đối phó với các vũ khí tương tự mà Nga và Trung Quốc đã và đang phát triển.

Australia - Mỹ bắt tay chế tạo tên lửa siêu thanh đối phó Nga - Trung - 1

Tên lửa siêu thanh AGM-183A tích hợp ở dưới cánh của máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds ngày 1/12 thông báo rằng nước này sẽ hợp tác với Mỹ để phát triển tên lửa hành trình siêu thanh, trong một nỗ lực nhằm đối phó với Nga và Trung Quốc - những quốc gia đã và đang phát triển khí tài tương tự.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào năng lực nâng cao để lực lượng phòng vệ Australia có thêm các lựa chọn nhằm ngăn chặn những hành vi gây hấn chống lại lợi ích của Australia", bà Reynolds nói.

Tuy nhiên, quan chức Australia không tiết lộ chi phí để phát triển tên lửa hoặc khi nào những vũ khí này sẽ đi vào hoạt động.

Australia năm nay đã dành 6,8 tỷ USD nhằm phát triển các hệ thống phòng không tên lửa tầm xa, tốc độ cao, bao gồm các nghiên cứu liên quan tới công nghệ siêu thanh.

Tên lửa siêu thanh là vũ khí có khả năng bay nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh và sự kết hợp giữa tốc độ, khả năng cơ động và độ cao sẽ khiến các hệ thống phòng không đối thủ gặp khó trong việc truy dò và đánh chặn.

Năm ngoái, Nga đã triển khai tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên, trong khi Lầu Năm Góc đã bắt đầu thử các nguyên mẫu tên lửa siêu thanh từ năm 2017. Mỹ dự kiến sẽ trang bị năng lực tấn công siêu thanh cho quân đội trong vài năm tới.

Trong khi đó, Trung Quốc được cho đã hoặc sắp triển khai hệ thống siêu thanh trang bị đầu đạn thường, theo các chuyên gia quốc phòng.

Mỹ trước đó nhiều lần thừa nhận rằng họ đang đi sau Nga và Trung Quốc trong cuộc đua vũ khí siêu thanh.

Hồi tháng 7, Australia tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 40% trong 10 năm tới để sở hữu năng lực tấn công tầm xa hơn trên không, trên biển và trên bờ. Động thái này được thực hiện trong bối cảnh Canberra đang mở rộng khả năng quân sự từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Theo giới quan sát, việc Australia hợp tác với Mỹ trong việc phát triển tên lửa siêu thanh có thể khiến Trung Quốc lo ngại, trong bối cảnh căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh leo thang không ngừng trong thời gian qua.