1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

ASEAN+6 hình thành khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới

(Dân trí) – Với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN cùng 6 nước châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand khu vực tự do mậu dịch ASEAN + 6 dự kiến ra mắt trong tháng 11 tới sẽ có quy mô lớn nhất thế giới.

Lãnh đạo ASEAN + 6 sắp công bố một kế hoạch quan trọng

Lãnh đạo ASEAN + 6 sắp công bố một kế hoạch quan trọng

Thông tin trên vừa được báo giới Thái Lan đăng tải. Theo đó, dự kiến vào tháng 11 tới, lãnh đạo ASEAN cùng 6 nước đối tác nêu trên sẽ chính thức công bố thành lập Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), biến khu vực này thành khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới.

“Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thông qua tuyên bố chính thức để thành lập RCEP. Các cuộc đàm phán dự kiến được khởi động trong năm tới với mục tiêu hoàn tất trong năm 2015, vừa kịp thời gian triển khai Cộng đồng kinh tế ASEAN”, Somkiat Triratpan, phó tổng giám đốc Vụ đàm phán thương mại của Bộ Thương mại Thái Lan khẳng định.

Theo ông Triratpan, lãnh đạo 16 quốc gia sẽ chủ yếu thảo luận về RCEP, hay hiệp định tự do thương mại ASEAN+6, giữa lúc những lo ngại về sự giảm tốc của kinh tế thế giới đang lên cao. Việc công bố dự kiến sẽ diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN tại Campuchia từ ngày 15 tới 20/11 tới. 

RCEP sẽ thống nhất lại các hiệp định tự do thương mại giữa các nước ASEAN và 6 nước đối tác sau đó cho ra đời những thỏa thuận xa hơn nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ và đầu tư giữa các quốc gia thành viên. Trong đó các quốc gia sẽ cam kết tự do hóa hầu như 100% hoạt động thương mại giữa các nước sau khi nhiều thỏa thuận tự do thương mại song phương giữa các thành viên ASEAN và các đối tác có hiệu lực.

Tuy nhiên sẽ vẫn có một mức độ bảo hộ nhất định đối với một số hàng hóa được coi là nhạy cảm với một số nước, ví dụ như lúa gạo. Bên cạnh đó khu vực này cũng sẽ từng bước mở cửa các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư theo quy định của RCEP do sự không đồng đều về mức độ phát triển giữa các nền kinh tế. Vì vậy các thành viên RCEP cần tiếp tục liên kết để loại bỏ các rào cản, qua đó mở cửa sâu rộng hơn lĩnh vực dịch vụ và đầu tư.

Các quốc gia thành viên ASEAN cùng lĩnh vực kinh tế tư nhân nhận định RCEP sẽ dọn đường cho việc thúc đẩy kinh tế châu Á và giúp cân bằng sự mở rộng giữa các nước Đông và Tây Âu. 

Thỏa thuận này ước tính sẽ đem lại giá trị thương mại lên tới 17.000 tỷ USD và sẽ cân bằng với ảnh hưởng của Thỏa thuận đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương do Mỹ chủ trì. Đồng thời RCEP cũng được xem là bước đệm quan trọng trước khi tiến tới Khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương trước năm 2020.

Thanh Tùng
Theo ASN