Anh kêu gọi dùng "luật" ở Biển Đông - không dùng "cơ bắp"
Vương quốc Anh kêu gọi những giải pháp “dựa trên luật lệ” chứ không phải là “dựa trên sức mạnh” đối với những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông - nơi Trung Quốc gần đây đã quyết liệt hơn trong tuyên bố chủ quyền của mình.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Anh William Hague cũng kêu gọi tất cả các bên tranh chấp “theo đuổi những giải pháp hòa bình và hợp tác”, tuân theo luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại trước các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ Manila tại thành phố Makati, Philippines hôm 30/1, Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh: “Trong hệ thống quốc tế và quốc gia, một cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc và quy tắc sẽ rất quan trọng đối với sự ổn định và tăng trưởng trong dài hạn”.
“Chúng tôi sẽ luôn luôn khuyến khích các giải pháp dựa trên quy tắc, luật lệ chứ không phải là dựa trên sức mạnh để giải quyết tranh chấp”, ông Hague nói trong một tuyên bố phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng đối với tình hình tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông của quốc tế.
Được biết, tranh chấp hàng hải là một trong những vấn đề được Ngoại trưởng Anh William Hague với người đồng cấp Philippines Albert del Rosario trong một cuộc hội đàm trước đó ở Manila.
Theo Ngoại trưởng Philippines, ông và ông Hague đã nhất trí rằng, các nước “nên tránh những hành động ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
“Chúng tôi cũng nhất trí về tầm quan trọng của an ninh hàng hải, tự do hàng hải, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, đồng thời giải quyết hòa bình các tranh chấp vì sự ổn định và thịnh vượng của khu vực”, ông del Rosario cho biết.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh khẳng định, mặc dù nước Anh không liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, nhưng cũng như mọi quốc gia khác, London có lợi ích đối với những giải pháp “hòa bình dựa trên luật lệ”.
Trung Quốc gần đây đã có những hành động quyết liệt nhằm khẳng định chủ quyền ở Biển Đông khi bắt đầu áp dụng quy định hạn chế đánh bắt cá mới, đòi tàu nước ngoài phải xin phép chính quyền địa phương Trung Quốc để hoạt động trong vùng biển có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn của nhiều quốc gia.
Theo Minh Châu
Petrotimes