1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

An ninh hạt nhân: Mỹ nói nhiều hơn làm

Dù đề cao an ninh hạt nhân, song Mỹ tiếp tục tăng cường kho vũ khí hủy diệt này với nhiều chương trình hiện đại hóa tiêu tốn nghìn tỉ USD.

Thành công tốt đẹp!

Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ tư, diễn ra trong 2 ngày (31/3-1/4) tại Washington.

Hội nghị được coi là thành công khi lãnh đạo 50 nước tham dự ra được tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết ngăn chặn các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay những phần tử cực đoan.

Kèm theo bản tuyên bố chung này là một phụ lục gồm 5 kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia tham dự hội nghị và các cơ quan quốc tế như Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Cảnh sát quốc tế (Interpol).

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân 2016 tại Washington, Mỹ
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân 2016 tại Washington, Mỹ

Tuy nhiên, hội nghị an ninh hạt nhân cuối cùng của ông Obama không thực sự thành công và càng làm dấy lên hoài nghi về quyết tâm thực sự của Mỹ trong vấn đề “an ninh hạt nhân”.

Đầu tiên là sự vắng mặt của Nga, một cường quốc hạt nhân thực sự và có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Giới phân tích cho rằng việc Tổng thống Nga từ chối tham dự khiến hội nghị do ông Obama chủ trì chỉ mang tính hình thức.

Nói cách khác, muốn đạt được an ninh hạt nhân thực sự, vốn là vấn đề được ông Obama tỏ ra hết sức quan tâm từ khi lên nắm quyền, Mỹ phải “nói chuyện” với Nga.

Tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân RS-24 Yars của Nga
Tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân RS-24 Yars của Nga

Thứ hai, Mỹ chỉ đề cập tới “an ninh hạt nhân” từ góc nhìn của nước Mỹ, tức là xoáy sâu vào nguy cơ khủng bố hạt nhân. Trong khi đó, một nguy cơ hiện hữu xuất phát từ chính các cường quốc hạt nhân như Mỹ lại không được nhắc tới.

Tại hội nghị, ông Obama hùng hồn rằng một khi “những kẻ mất trí chạm được tay vào bom hạt nhân hoặc vật liệu hạt nhân, chúng có thể sử dụng để giết nhiều người vô tội nhất có thể”. Trên thực tế, chỉ có nước Mỹ từng làm được điều này khi thả 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản!

Thứ ba là những nghi ngờ hoàn toàn có cơ sở về mục đích thực sự của Mỹ trong việc tổ chức một hội nghị an ninh hạt nhân mà thiếu Nga.

Nga không hài lòng

Trong khi Mỹ chỉ trích việc Tổng thống Nga Putin từ chối tham dự hội nghị đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội thảo luận các vấn đề quan trọng thì phía Nga cho rằng Mỹ đã chính trị hóa hội nghị này.

Tổng thống Nga Putin từ chối tham dự hội nghị an ninh hạt nhân do Mỹ chủ trì
Tổng thống Nga Putin từ chối tham dự hội nghị an ninh hạt nhân do Mỹ chủ trì

Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga phản đối việc một số nước “bá quyền” trên thế giới viết sẵn chương trình nghị sự cho các tổ chức quốc tế.

Phía Nga cũng nhấn mạnh an ninh hạt nhân là vấn đề cấp bách và Nga đã thảo luận với Mỹ trong suốt 10 năm qua, trong đó có nguy cơ khủng bố hạt nhân. Tuy nhiên, Nga không tham dự hội nghị lần này do phía Mỹ không hợp tác trong quá trình chuẩn bị về các vấn đề cũng như đề tài thảo luận.

Trước đó, Nga tham dự đầy đủ 3 hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân vào các năm 2010, 2012 và 2014.

Ngay cả tờ Washington Post của Mỹ ngày 31/3 cũng mỉa mai “Với tham vọng giảm dần, Obama khai mạc hội nghị thượng đỉnh hạt nhân cuối cùng của mình”.

Theo đó, dù ông Obama mô tả an ninh hạt nhân là ưu tiên hàng đầu nhưng chính quyền của ông chỉ đạt được những thành công hạn chế.

Cách đây 7 năm, ông Obama từng tuyên bố về viễn cảnh một thế giới không có vũ khí hạt nhân nhưng bản thân ông bước vào hội nghị lần thứ tư này trong bối cảnh ngân sách dành cho chương trình ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân bị cắt giảm, trong khi tiền dành cho quân đội Mỹ phát triển các thế hệ vũ khí mới không thay đổi.

Những nước như Pakistan hay Ấn Độ vẫn không từ bỏ vũ khí hạt nhân. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên chưa được giải quyết, nguy cơ vũ khí và vật liệu hạt nhân rơi vào tay các tổ chức khủng bố vẫn hiện hữu…

Mỹ mập mờ

Theo thông lệ, các tổng thống Mỹ thường nỗ lực làm điều gì đó liên quan đến vấn đề vũ khí hạt nhân trước khi rời nhiệm sở.

Cựu Tổng thống Bill Clinton đã từng cố gắng thông qua Hiệp ước Cấm Thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện, mặc dù bị Quốc hội do đảng Cộng Hòa nắm quyền cản trở.

Tổng thống Obama bắt đầu nắm quyền với quan ngại về sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân. Trong bài phát biểu tại Prague hồi tháng 4/2009, ông Obama đã cam kết “tìm kiếm hòa bình và an ninh trong một thế giới và không có vũ khí hạt nhân”.

Ông Obama nói về tương lai thế giới không vũ khí hạt nhân tại Prague, CH Séc tháng 4/2009
Ông Obama nói về tương lai thế giới không vũ khí hạt nhân tại Prague, CH Séc tháng 4/2009

Những nỗ lực đầu tiên của ông đã mang lại một hiệp ước, đảm bảo kiểm soát vũ khí với Nga và một loạt hội nghị thượng định quốc tế với những tiến triển khiêm tốn trong vấn đề bảo vệ nguyên liệu hạt nhân. Tuy nhiên, kể từ đó, nỗ lực kiểm soát loại vũ khí nguy hiểm nhất thế giới này đã bị đình trệ.

Giới phân tích cho rằng ông Obama có thể để lại cho người kế nhiệm một chính sách hạt nhân mập mờ và không bền vững.

Dù kêu gọi “an ninh hạt nhân”, Mỹ vẫn đang cố gắng hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Hầu hết vũ khí thuộc bộ ba hạt nhân là các tên lửa trang bị cho tàu ngầm, máy bay chiến đấu và tên lửa mặt đất, đều sắp hết hạn sử dụng, phải bị thải loại, thay thể hoặc tân trang.

Mỹ đang lên kế hoạch xây dựng lại từng bộ phận của bộ ba này, một kế hoạch có thể tiêu tốn khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 30 năm tới.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ

Ngân sách của chính phủ Obama công bố hồi tháng 2 vừa qua vẫn tiếp tục duy trì nỗ lực này với việc đổ thêm hơn 1,5 tỷ USD vào một quỹ mới dành cho các chương trình mua sắm hạt nhân lớn.

Mỹ đang thực hiện chương trình hiện đại hóa 180 quả bom nguyên tử chiến thuật được triển khai tại châu Âu với chi phí có thể lên tới 28,8 tỷ USD.

Dưới thời ông Obama, nước Mỹ tiếp tục lên kế hoạch đóng mới các tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo, chế tạo máy bay ném bom thế hệ mới có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Mỹ đang cố gắng thể hiện vài trò lãnh đạo trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, nhưng mỗi bước đi của Mỹ dường như càng làm nóng thêm cuộc chạy đua vũ trang chứ đừng nói tới viễn cảnh một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Theo Thanh Long

Đất Việt