1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

An ninh hạt nhân toàn cầu: Câu chuyện dài về đối đầu Nga-Mỹ

Nga không tham gia Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân 2016 do lo ngại Mỹ tìm cách hạn chế quyền sở hữu hạt nhân hợp pháp của các quốc gia.

Theo Russia Direct, việc Nga không tham gia Hội nghị nói trên tại Washington, Mỹ vào cuối tháng 3 đã làm thay đổi căn bản bản chất mối quan hệ Nga-Mỹ.

Mối quan hệ Nga-Mỹ vốn luôn căng thẳng và từ 5-7 năm trở lại đây được đánh dấu bằng nhiều cuộc khủng hoảng về quân sự và chính trị.

Sự đối đầu giữa Nga và Mỹ được thể hiện rõ mỗi khi nhà lãnh đạo hai nước gặp nhau. Ảnh AP
Sự đối đầu giữa Nga và Mỹ được thể hiện rõ mỗi khi nhà lãnh đạo hai nước gặp nhau. Ảnh AP

Mặc dù vậy, cả Nhà Trắng và Điện Kremlin vẫn luôn tuyên bố rằng, cả hai bên sẽ không bao giờ ngừng hợp tác trong 2 lĩnh vực là chống khủng bố và không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Bất chấp những bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, Ấn Độ và Triều Tiên, cả Mỹ và Nga đều tuyên bố sẽ nỗ lực để thúc đẩy các quy định về không phổ biến vũ khí hạt nhân nhằm tiến tới một lộ trình dù còn nhiều hạn chế nhưng vẫn đủ để các bên hợp tác với nhau. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi vào năm 2015.

Ý tưởng về việc “cùng chiến đấu chống khủng bố” dường như đã “tan thành mây khói” khi Nga và Mỹ không nhìn về một hướng trong vấn đề Syria. Thậm chí, những nỗ lực song phương về giải giáp vũ khí hạt nhân cũng phải “chịu chung số phận”. Với việc Nga không tham gia Hội nghị lần này, cả Nga và Mỹ dường như đã bỏ lỡ những cơ hội cuối cùng để ổn định tình hình.

Nỗ lực ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố hạt nhân

Ý tưởng về chống “chủ nghĩa khủng bố hạt nhân” đã trở thành một trong những trọng tâm của chính sách ngoại giao của Mỹ trong vòng 12 năm qua. Kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã nỗ lực để thúc đẩy một liên minh toàn cầu chống khủng bố.

Vào mùa Đông năm 2003, liên minh này tan rã sau việc Mỹ và Anh can thiệp quân sự vào Iraq, để lại một câu hỏi lớn về việc đến bao giờ các nước cường quốc trên thế giới mới lại xích lại gần nhau.

Cho đến nay, thế giới chưa hề phải đương đầu với “chủ nghĩa khủng bố hạt nhân”. Dù vậy, giới truyền thông vẫn đồn thổi về việc rò rỉ các công nghệ hạt nhân từ Liên Xô cũ, Pakistan, Triều Tiên và thậm chí là cả EU. Tuy nhiên, vẫn chưa có “vụ trộm hạt nhân” nào được xác nhận.

Năm 2004, Tổng thống Mỹ Bush đã sử dụng chiến thuật “gây sợ hãi” bằng cách tuyên bố rằng, Taliban đang tìm cách tiếp cận kho vũ khí hạt nhân của Pakistan. Tuy nhiên, trên thực tế, không có dấu hiệu gì cho thấy Taliban tìm cách xâm nhập vào các cơ sở hạt nhân của Pakistan, hoặc tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm vào các cơ sở này.

Đến ngày 11/2/2004, Tổng thống Mỹ Bush đã có bài phát biểu quan trọng về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Đại học Quốc phòng ở thủ đô Washington. Trong bài phát biểu này, ông nêu ra 3 luận điểm về cuộc chiến chống khủng bố hạt nhân.

Đầu tiên, theo ông Bush, cần phải hạn chế việc cung cấp công nghệ hạt nhân cho các quốc gia không sử hữu hạt nhân hoặc ít nhất là các quốc gia thất bại trong việc tự phát triển chương trình hạt nhân của mình tính đến ngày 1/1/2004.

Ngoài ra, mọi quốc gia cần phải ngừng sử dụng các “công nghệ nhạy cảm”, bao gồm các lò phản ứng hạt nhân nước nặng và các nguồn năng lượng sử dụng urani đã được làm giàu ở mức cao.

Cuối cùng, Tổng thống Bush đề xuất rằng, Hiệp hội Hạt nhân Thế giới - một tổ chức không chính thức- cần phải được coi là một tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc và có quyền giám sát thị trường quặng urani cũng như việc sản xuất năng lượng hạt nhân. Cơ cấu của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới sẽ tương đồng với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

An ninh hạt nhân toàn cầu: Câu chuyện dài về đối đầu Nga-Mỹ - 2

Tàu ngầm lớp Borei Vladimir Monomakh được coi là vũ khí răn đe hạt nhân chiến lược của Nga. Ảnh TASS

Giới chức ngoại giao Mỹ sau đó đã nỗ lực thực hiện những đề xuất của ông Bush. Tại các hội nghị G8, Mỹ đều cố gắng thuyết phục các quốc gia khác ký vào bản thỏa thuận chung về việc dừng cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho các nước chưa sở hữu công nghệ này tính đến năm 2004.

Đồng thời, Washington cũng nỗ lực thúc đẩy sáng kiến Đối tác Năng lượng Hạt nhân Toàn cầu (GNEP) nhằm tạo nền tảng cho việc thành lập các trung tâm làm giàu urani và tái chế plutoni trên toàn thế giới.

Ngoài ra, Mỹ đã tìm cách để Hiệp hội Hạt nhân Thế giới trở nên phổ biến hơn. Năm 2005, trang web của Tổ chức này đã trở thành “mỏ vàng” thực sự cho ai muốn nghiên cứu về urani tự nhiên và các lò phản ứng hạt nhân.

Các chuyên gia thuộc Quĩ Carnegie của Mỹ cũng đã thảo luận về một thỏa thuận đầy hứa hẹn về việc các nước trên toàn cầu cùng từ bỏ việc làm giàu urani cũng như sử dụng các lò phản ứng hạt nhân nước nặng.

Vào thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama nhậm chức, những nỗ lực này của Mỹ đều đã thất bại bởi nhiều quốc gia đã bày tỏ quan điểm trái ngược nhau về việc hạn chế sử dụng năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, trong bài phát biểu của mình tại Praha, Séc ngày 5/4/2009, ông Obama lại một lần nữa muốn hồi sinh ý tưởng kêu gọi giải giáp vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân được thiết lập nhằm củng cố sáng kiến này và tạo ra một khuôn khổ đối thoại mới. Mục đích chính của Hội nghị là nhằm chống khủng bố hạt nhân. Thay vì tạo ra một tổ chức để thay thế IAEA, Chính phủ của ông Obama tìm cách để sắp đặt một mô hình đàm phán khác.

Mỹ muốn “toàn quyền” kiểm soát nhiên liệu hạt nhân?

Cuộc chiến chống “khủng bố hạt nhân” đòi hỏi phải quốc tế hóa việc kiểm soát nhiên liệu hạt nhân. Ý tưởng này đã có từ lâu trong lịch sử chính trị Mỹ. Từ tháng 12/1945, tại Hội nghị các Ngoại trưởng ở Moscow, đại diện Liên Xô, Mỹ và Anh đã nhất trí về việc thành lập Ủy ban Năng lượng Nguyên tử của Liên Hợp Quốc.

Đến tháng 3/1946, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã công bố Kế hoạch Acheson-Lilienthal trong đó nêu rõ việc cộng đồng quốc tế cần phải kiểm soát nhiên liệu hạt nhân cũng như tiến tới loạt bỏ vũ khí hạt nhân trong vòng 5-6 năm tới.

Trong khi đó, siêu máy bay ném bom tàng hình B-2 là vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ. Ảnh AP
Trong khi đó, siêu máy bay ném bom tàng hình B-2 là vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ. Ảnh AP

Ban đầu, lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin chấp thuận kế hoạch này, tuy nhiên, đến mùa Xuân năm 1946, Đại diện Mỹ tại Ủy ban Năng lượng Nguyên tử của Liên Hợp Quốc Bernard Baruch đã đề xuất 2 thay đổi.

Thay đổi đầu tiên là, mọi quyết định của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử sẽ được thông qua bằng việc bỏ phiếu theo đa số và quyền phủ quyết của các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ không được áp dụng.

Ngoài ra, Ủy ban này có thể không cần sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà vẫn có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt những kẻ vi phạm.

Ngày 14/6/1946, Mỹ đã đệ trình kế hoạch của ông Baruch lên Ủy ban Năng lượng Nguyên tử. Tuy nhiên, Liên Xô đã bác đề xuất này của Mỹ do lo ngại Mỹ tìm cách ngăn Liên Xô chế tạo bom nguyên tử.

Trên thực tế, có một mối liên quan rõ rệt giữa những sáng kiến của Mỹ về quốc tế hóa việc kiểm soát nhiên liệu hạt nhân và kế hoạch của ông Baruch năm 1946. Cả 2 đều liên quan đến việc “tước dần” quyền sở hữu hạt nhân của một quốc gia và đều nhằm tạo dựng những “trung tâm quốc tế” mà trên thực tế đều do Mỹ điều hành - để giám sát mọi hoạt động “nhạy cảm” liên quan đến nguyên liệu hạt nhân”.

Ngoài ra, cả hai cũng nhằm giảm số lượng đầu đạn hạt nhân được các nước chế tạo cũng như “ngầm” cảnh báo về những biện pháp trấn áp nhằm vào các “chế độ” bị Mỹ coi là “nguy hiểm”.

Chính vì thế, cả hai đều bị Liên Xô (và sau này là Nga) cùng nhiều quốc gia sở hữu hạt nhân khác đón nhận với sự hoài nghi.

Những vấn đề của Nga hiện nay

Vấn đề mà Nga hiện phải đối mặt hoàn toàn giống như những gì Liên Xô phải trải qua năm 1946. Vũ khí hạt nhân có vòng đời rất ngắn và phải được nâng cấp mỗi 10-15 năm.

Hơn thế nữa, những nguyên liệu có thể phân rã còn phải được nâng cấp thường xuyên hơn, đòi hỏi Nga phải luôn có đủ nhiên liệu để thực hiện việc này.

Việc thiếu thốn nhiên liệu sẽ khiến khả năng nâng cấp tiềm năng vũ khí hạt nhân của Nga trở lên bất khả thi. Dĩ nhiên, giới chức Nga không hề muốn điều này.

Chính vì thế, Nga tỏ ra đặc biệt quan tâm đến các cuộc đối thoại liên quan đến giải giáp vũ khí hạt nhân của IAEA bởi IAEA không giám sát các cường quốc hạt nhân mà chỉ tập trung vào các nước còn lại.

Sự xuất hiện của Hiệp hội Hạt nhân Toàn cầu hay sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân sẽ dẫn tới việc Mỹ có thể can thiệp ngày càng sâu hơn vào chính sách hạt nhân của các quốc gia được phép sở hữu hạt nhân.

Trước đó, từ năm 1946, lãnh đạo Liên Xô Staline đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về đề xuất cho phép Ủy ban Năng lượng Nguyên tử của Liên Hợp Quốc trừng phạt các nước vi phạm dù không được Hội đồng Bảo an chấp thuận. Theo ông Stalin, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ có thể coi Liên Xô là một trong số những nước “vi phạm”.

Trong vòng 12 năm qua, chính sách ngoại giao của Mỹ chủ yếu tập trung vào việc buộc các chế độ mà Mỹ coi là nguy hiểm phải giải giáp vũ khí hạt nhân. Vậy, ai sẽ đóng vai trò giám sát và đảm bảo rằng, những tổ chức mà Mỹ dựng lên không lấy lý do chống “khủng bố hạt nhân” làm cái cớ để tấn công nước khác như đã xảy ra từ 70 năm trước.

Cho đến nay, Nga chỉ coi Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân là nơi để Mỹ và Nga đối thoại riêng. Hội nghị năm 2012 được cho là nhằm duy trì các cuộc đối thoại nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Kể từ đó, cả Nga và Mỹ đều quyết định “đóng băng” mọi cuộc đàm phán chiến lược và không có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc đàm phán này sẽ được tái khởi động. Chính vì thế Nga không muốn tham gia các cuộc đàm phán chỉ đem lại những lợi ích cho Mỹ./.

Theo Trần Khánh

VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm