Ấn Độ xét xử 5 can phạm hãm hiếp tập thể nữ sinh
(Dân trí) - Năm thủ phạm tham gia vụ hãm hiếp tập thể và tấn công tàn bạo nữ sinh y khoa Ấn Độ đã phải chính thức ra hầu tòa ngày hôm qua trong tình trạng an ninh thắt chặt.
Truyền thông Ấn Độ cho biết phiên tòa đã được xử kín do lo ngại nguy cơ bùng phát bạo loạn.
Đây là lần đầu tiên nhóm bị cáo trên trình diện trước tòa sau vụ tấn công tình dục tàn bạo nữ sinh y khoa 23 tuổi đêm 16/12 trên một xe buýt khiến nạn nhân tử vong sau đó 2 tuần tại bệnh viện hàng đầu ở Singapore do đa chấn thương. Vụ việc đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ tại Ấn Độ yêu cầu chính phủ phải nhanh chóng tăng cường các biện pháp bảo vệ phụ nữ.
Theo các nguồn tin tại chỗ, phiên tòa diễn ra tại phòng xử án của quận Saket, phía Nam thủ đô New Delhi.
Ban đầu, bồi thẩm đoàn cho phép người dân, các luật sư và phóng viên vào tham dự, đưa tin. Tuy nhiên sau đó do nhiều người la ó các bị cáo, một số luật sư lại phản ứng dữ dội trước việc các bị cáo được chỉ định luật sư bào chữa khiến không khí phòng xử án vô cùng hỗn loạn. Tình thế này buộc bồi thẩm đoàn phải quyết định xử kín.
“Do tính nhạy cảm và nhân đạo của vụ án, toàn bộ tiến trình xét xử và luận tội sẽ được tiến hành trong phòng kín và được ghi lại qua hệ thống camera”, chánh án Namrita Aggarwal cho biết.
Theo kế hoạch, phiên xét xử tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 10/1 nhưng chưa biết khi nào mới luận tội các bị cáo.
Năm bị cáo bị xét xử gồm lái xe buýt Ram Singh, em trai của Ram Singh là Mukesh Kumar, người bán hoa quả Pawan Gupta, nhân viên hướng dẫn tập thể hình Vinay Sharma và nhân viên dọn vệ sinh Akshay Thakur.
Hai người trong số này là Vinay Sharma và Pawan Gupta trước đó đã cung cấp một số chứng cứ về vụ việc nhằm xin được hưởng lượng khoan hồng.
Cả 5 bị cáo đều trong độ tuổi 19 – 35, hầu hết là cư dân các khu ổ chuột tại New Delhi và đã được che kín mặt kể từ khi đưa vào phòng xử án.
Cáo trạng của cảnh sát nêu rõ 5 bị cáo phải đối mặt với 7 tội danh, trong đó có tội bắt cóc, cưỡng bức, cướp giật, giết người và cố tình thủ tiêu chứng cứ. Nếu bị kết tội, các bị cáo nhiều khả năng phải đối mặt với án tử mình.
Ngoài 5 bị cáo trên, cùng tham gia trong vụ hãm hiếp tập thể này còn có nghi phạm thứ 6. Tuy nhiên, do tên này mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi thành niên nên chưa bị truy tố. Hiện cảnh sát đã cho tiến hành xét nghiệm xương của kẻ thứ 6 để xác định đúng tuổi thật, tránh tình trạng lọt người lọt tội.
Thông thường tiến trình tố tụng ở Ấn Độ phải kéo dài vài tháng. Nhưng trước tính chất đặc biệt nguy hiểm của vụ án trên, tiến trình này đã được thúc đẩy nhanh chóng nhằm làm dịu dư luận giận dữ tại Ấn Độ.
Theo lời kể của bạn trai nạn nhân, anh và nữ sinh y khoa lên xe buýt về nhà sau khi xem phim và bị nhóm đối tượng trên xe chọc ghẹo rồi đánh đập tàn nhẫn. Chúng dùng thanh sắt đánh người thanh niên bất tỉnh rồi sau đó thi nhau làm nhục nữ sinh bằng nhiều thủ đoạn tàn bạo. Chưa hết, sau khi thỏa mãn thú tính, chúng vất cả hai nạn nhân xuống đường trong khi xe vẫn đang chạy và còn cố tình cán xe lên người các nạn nhân hòng phi tang.
Cũng theo lời kể của nhân chứng, cả hai đã bị bỏ rơi bên lề đường giữa đêm đông giá buốt gần một tiếng đồng hồ trước khi được cảnh sát đến đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, do bị đa chấn thương sọ não và đa chấn thương nội tạng nghiêm trọng, nữ sinh xấu số đã không thể qua khỏi dù đã được ê-kíp bác sĩ giỏi nhất của Ấn Độ lẫn Singapore tận tình cứu chữa. Nạn nhân ra đi đêm 29/12 giữa vòng tay của người thân trong gia đình và các bác sĩ.
Trong tuyên bố mới nhất, cha của nạn nhân cho biết ông muốn công khai tên và ảnh con gái mình để khuyến khích các nạn nhân bị tấn công tình dụng ở Ấn Độ dũng cảm nói lên sự thật.
“Tôi không muốn che giấu tên tuổi của đứa con xấu số. Không có lý do gì để làm việc đó. Điều kiện duy nhất là tên tuổi và hình ảnh của con gái tôi không bị lạm dụng vì những mục đích xấu”, cha của nạn nhân nói.
Ấn Độ là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm tấn công tình dục cao nhất thế giới. Trung bình cứ 20 phút xảy ra một vụ, nhưng hầu hết đều bị ỉm đi vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân xuất phát từ sự im lặng của các nạn nhân do lo ngại định kiến xã hội.