1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc thành quốc gia đông dân nhất thế giới

Thanh Thành

(Dân trí) - Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc công bố ngày 11/7, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023, với con số hơn 1,4 tỷ dân.

Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc thành quốc gia đông dân nhất thế giới - 1

(Ảnh minh họa: Populationu).

Báo cáo "Triển vọng Dân số Thế giới 2022" ước tính thế giới sẽ đạt 8 tỷ người vào ngày 15/11/2022, có thể tăng lên 8,5 tỷ người vào năm 2030 và 10,4 tỷ người vào năm 2100, khi tỷ lệ tử vong giảm dần.

Hai khu vực Đông Á - Đông Nam Á và Trung Á - Nam Á là nơi tập trung đông dân nhất của thế giới năm 2022, với lần lượt khoảng 2,3 tỷ người (chiếm 29% tổng dân số toàn cầu) và 2,1 tỷ người (chiếm 26% dân số toàn cầu).

Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm tỷ lệ dân số lớn nhất tại các vùng trên. Theo các báo cáo, dân số Ấn Độ hiện là 1,412 tỷ người, trong khi Trung Quốc là 1,426 tỷ người.

Dân số Ấn Độ là 1,21 tỷ người vào năm 2011, theo điều tra trong nước. Và nước này sẽ tiến hành thu thập điều tra dân số 10 năm một lần. Chính phủ nước này đã hoãn cuộc điều tra dân số năm 2021 do đại dịch Covid-19.

Dân số thế giới đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1950, giảm xuống dưới 1% vào năm 2020, theo ước tính của Liên hợp quốc.

Vào năm 2021, mức sinh trung bình của dân số thế giới là 2,3 lần sinh trên một phụ nữ trong suốt cuộc đời, giảm từ khoảng 5 lần sinh vào năm 1950. Mức sinh toàn cầu được dự báo sẽ giảm tiếp xuống 2,1 lần sinh trên một phụ nữ vào năm 2050.

Đề cập đến một báo cáo trước đó của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó ước tính khoảng 14,9 triệu ca tử vong liên quan đến đại dịch Covid-19 từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2021, báo cáo của Liên hợp quốc cho biết tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm xuống 71 tuổi vào năm 2021 từ 72,8 tuổi của năm 2019, hầu hết do đại dịch.

Liên hợp quốc cho biết, hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu tính đến năm 2050 sẽ chỉ tập trung ở 8 quốc gia gồm Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania. Báo cáo giải thích rằng dân số gia tăng một phần là do tỷ lệ tử vong giảm khi tuổi thọ trung bình tăng lên.

Các nước châu Phi cận Sahara dự kiến sẽ đóng góp hơn một nửa mức tăng dự kiến cho đến năm 2050.

Tuy nhiên, dân số của 61 quốc gia được dự báo sẽ giảm từ 1% trở lên trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2050, do tỷ lệ sinh giảm.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết: "Đây là một dịp để tôn vinh chúng ta, công nhận nhân loại chung của chúng ta và ngạc nhiên trước những tiến bộ trong y tế đã giúp kéo dài tuổi thọ và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em".

Tuy nhiên, dân số ngày càng tăng là một lời nhắc nhở về trách nhiệm chung trong việc chăm sóc y tế và để "phản ánh xem chúng ta vẫn còn thiếu cam kết với nhau ở đâu", ông nhấn mạnh.

Theo Reuters