1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ ra mắt giáo viên AI đầu tiên trong trường học

Thành Đạt

(Dân trí) - Một trường học ở miền nam Ấn Độ đã giới thiệu "IRIS", robot hình người được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp.

Ấn Độ ra mắt giáo viên AI đầu tiên trong trường học - 1

"IRIS", giáo viên robot AI đầu tiên của Ấn Độ, tương tác với học sinh tại một lớp học ở bang Kerala (Ảnh: Instagram/Makerlabs).

Maker Labs, công ty chế tạo robot Ấn Độ đứng sau IRIS, mô tả robot này là "công cụ giảng dạy đa năng với khả năng tương tác". Đây là robot hình người được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên của Ấn Độ có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp.

Theo nhà sản xuất, robot được trang bị bộ xử lý Intel và bộ đồng xử lý để thực hiện các thao tác linh động, đồng thời người dùng có thể điều khiển và tương tác với robot bằng giao diện ứng dụng Android.

Nhà phát triển cho biết IRIS được trang bị trợ lý giọng nói dựa trên AI để cung cấp "lời giải thích" và cung cấp "nội dung giáo dục". Robot có thể di chuyển trên một bệ có bánh xe và "điều khiển các đồ vật, thực hiện các thao tác và tham gia vào các hoạt động học tập thực hành".

Đầu tuần này, một robot IRIS đã được giới thiệu tại trường trung học KTCT ở Thiruvananthapuram, thủ phủ của bang Kerala, nơi có tỷ lệ người dân biết chữ cao nhất (94%) trong số tất cả các bang của Ấn Độ. Maker Labs cũng tải lên video về robot mặc trang phục sari truyền thống của Ấn Độ, tương tác với học sinh trong lớp học.

Chính phủ Ấn Độ đang tìm cách khai thác sức mạnh của AI trong các lĩnh vực bao gồm chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và giáo dục. Nội các Ấn Độ tuần này đã phê duyệt sáng kiến "Sứ mệnh AI của Ấn Độ" với khoản chi 1,2 tỷ USD trong 5 năm tới. Thông qua sáng kiến này, New Delhi sẽ cung cấp trợ cấp cho các công ty trong nước hoạt động về công nghệ AI.

Trong khi đó, chính phủ cũng đang phát triển mô hình ngôn ngữ AI "Bhashini" để phá bỏ rào cản giữa hàng trăm ngôn ngữ được sử dụng ở Ấn Độ. New Delhi cũng đã thực hiện các bước để quản lý các nền tảng dựa trên AI nhằm tránh những tác động tiêu cực có thể xảy ra, bao gồm cả thông tin sai lệch.

Tuần trước, chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo đã thông báo rằng các công ty Big Tech giờ đây sẽ cần sự cho phép của chính phủ Ấn Độ để phát hành các mô hình AI chưa được kiểm tra kỹ lưỡng hoặc không đáng tin cậy. Sự phát triển diễn ra sau một cuộc tranh cãi liên quan đến chatbot AI Gemini của Google và câu trả lời mà nó đưa ra liên quan đến Thủ tướng Modi.

Chính phủ Ấn Độ tuyên bố đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt chống lại "thông tin sai lệch", bao gồm cả công nghệ "deepfake" (kỹ thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra hình ảnh, âm thanh và video giả mạo) và công nghệ khác mà họ tin rằng có thể được sử dụng để làm sai lệch nhận thức của công chúng.

Ấn Độ chuẩn bị ban hành khung pháp lý mới cho AI vào cuối năm nay. Trước đó, New Delhi đã cảnh báo các nền tảng rằng họ có thể mất "quyền miễn trừ an toàn" và phải chịu các thủ tục tố tụng hình sự nếu không hành động nhanh chóng chống lại "thông tin sai lệch".

Theo RT