1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ấn Độ mở cửa đón du khách nước ngoài sau hơn 1 năm đóng kín

Thanh Thành

(Dân trí) - Sau hơn 1 năm đóng cửa do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Ấn Độ sẽ bắt đầu mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài từ ngày 15/10 tới.

Ấn Độ mở cửa đón du khách nước ngoài sau hơn 1 năm đóng kín - 1

Người dân dọn dẹp trước khu vực đền Taj Mahal nổi tiếng của Ấn Độ (Ảnh: AFP).

Trong tuyên bố đưa ra hôm 7/10, Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết, thị thực du lịch sẽ được cấp cho du khách nước ngoài đến trên các chuyến bay thuê từ ngày 15/10 và trên các chuyến bay khác từ ngày 15/11.

Tuyên bố nhấn mạnh, tất cả du khách nước ngoài, các hãng không vận chuyển và tất cả các bên liên quan khác đều phải tuân thủ tất cả các quy định liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại những địa điểm hạ cánh ở Ấn Độ.

Ông Rajiv Mehra, Chủ tịch Hiệp hội các nhà điều hành tour du lịch Ấn Độ, hoan nghênh thông báo này của chính phủ. "Đây là một điều rất đáng khích lệ cho ngành du lịch và chúng tôi hy vọng du lịch trong nước sẽ bắt đầu hồi sinh", ông nói.

Ấn Độ đã đóng cửa từ tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Các hạn chế dần được nới lỏng đối với doanh nhân, nhà ngoại giao và những người khác nhưng du khách vẫn bị "cấm cửa".

Vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua, đất nước 1,3 tỷ dân này đã phải hứng chịu làn sóng dịch nghiêm trọng với khoảng 400.000 ca nhiễm và 4.000 ca tử vong mỗi ngày. Số ca nhiễm gia tăng đột biến này được cho là do các chủng virus mới và chính phủ đã dỡ bỏ các hạn chế quá sớm, cho phép các sự kiện thể thao và lễ hội tôn giáo diễn ra.

Nhưng các ca nhiễm đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 20.000 ca mới và 200-300 ca tử vong mỗi ngày trong những tuần gần đây. Hiện hơn 250 triệu người dân Ấn Độ đã được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ, tương đương khoảng 20% dân số. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, Ấn Độ vẫn phải thận trọng vì có thể phải hứng chịu làn sóng lây nhiễm khác.

Nền kinh tế Ấn Độ phải hứng chịu một trong những đợt sụt giảm mạnh nhất trong số các nền kinh tế lớn do hậu quả của đại dịch, trong đó sản lượng bị sụt giảm nghiêm trọng nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1947, đẩy hàng triệu người trở lại cảnh đói nghèo.

Đợt phong tỏa đầu tiên vào tháng 3/2020 là một thảm họa, khiến hàng chục triệu lao động gần như mất việc làm.

Du lịch là một ngành quan trọng đối với nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này, với 10,93 triệu lượt khách vào năm 2019, theo báo cáo của chính phủ. Trước đại dịch, lĩnh vực này chiếm khoảng 10% nền kinh tế Ấn Độ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm