Ấn Độ "mê" tiêm kích tàng hình Checkmate của Nga vừa ra mắt
(Dân trí) - Không quân Ấn Độ hiện chưa có chiến đấu cơ nào tương tự J-20 của Trung Quốc và New Delhi muốn nâng cấp năng lực quân sự bằng việc mua siêu tiêm kích tàng hình Checkmate thế hệ thứ 5 của Nga.
tBáo Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 26/7 dẫn lời các nhà phân tích quân sự cho biết, Ấn Độ muốn mua siêu tiêm kích tàng hình mới có tên Checkmate (Chiếu hết) của Nga để giúp đối đầu với lực lượng của Trung Quốc dọc theo biên giới tranh chấp.
Theo nguồn tin, hồi đầu tuần này, nhà sản xuất máy bay Nga Sukhoi đã "trình làng" nguyên mẫu của tiêm kích Checkmate mới tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế MAKS-2021 ở ngoại ô thủ đô Moscow.
Sukhoi cho biết, siêu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 này có tốc độ tối đa Mach 2, tầm hoạt động 3.000 km và tải trọng chiến đấu 7,4 tấn.
Checkmate dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2023 và việc bàn giao có thể bắt đầu vào năm 2026. Nga có kế hoạch sản xuất 300 tiêm kích mới này trong vòng hơn 15 năm để thay thế các phi đội máy bay chiến đấu đã già cỗi của họ.
Chi tiết về công nghệ được sử dụng cho Checkmate vẫn chưa được công bố. Nhưng Wei Dongxu, một nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh cho rằng, thiết kế khí động học của loại tiêm kích mới này cho thấy nó có khả năng tàng hình tốt hơn so với Sukhoi Su-57, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên của Nga, vốn đã đi vào hoạt động vào tháng 12/2020.
Hiện thế giới chỉ có 3 chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 khác đang hoạt động là Chengdu J-20 của Trung Quốc, F-22 và F-35 của Lockheed Martin của Mỹ. F-35 là tiêm kích tàng hình duy nhất có sẵn để bán, nhưng chỉ các đồng minh của Mỹ mới được mua.
Nhu cầu mua tiêm kích tàng hình ngày càng lớn như thế này khiến việc mua bán bị quá tải vì dây chuyền sản xuất của Lockheed Martin chỉ có thể cung cấp từ 100-200 chiếc mỗi năm.
Các nhà sản xuất đã nhấn mạnh khả năng tàng hình và chi phí tương đối thấp của Checkmate, được kỳ vọng là điểm mang lại lợi thế bán hàng lớn của mặt hàng này. Theo Giám đốc tập đoàn quốc phòng và hàng không quốc gia Nga (Rostec), ông Sergei Chemezov, Checkmate sẽ có giá từ 25-30 triệu USD - một lợi thế về giá đáng kể so với F-35 khi tiêm kích của Mỹ này có giá ít nhất 100 triệu USD.
Giám đốc Chemezov còn cho biết thêm, Checkmate dự kiến sẽ trở thành chiến đấu cơ được các quốc gia ở Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh săn đón.
Ông Zhongping, nhà bình luận quân sự Trung Quốc và là cựu huấn luyện viên của quân đội Trung Quốc, cho rằng bên mua tiềm năng nhất sẽ là Ấn Độ, vốn là một trong những khách hàng lớn của Nga.
New Delhi được cho là đã thảo luận với tập đoàn Lockheed Martin về việc mua F-35, nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Trên thực tế, Ấn Độ rất mong muốn sở hữu một chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 sau các cuộc đụng độ biên giới gay cấn với Trung Quốc ở vùng biên giới vốn luôn "nóng" giữa hai nước.
Sau cuộc đụng độ chết người này, Trung Quốc đã triển khai các chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 là J-20 tới các sân bay tiền tiêu. Trong khi đó, màn đáp trả tốt nhất mà Ấn Độ có thể thực hiện là triển khai Dassault Rafales - một máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 do Pháp sản xuất.
Vẫn còn quá sớm để dự đoán điều gì sẽ xảy ra nếu Ấn Độ mua được máy siêu tiêm kích tàng hình Checkmate.
Nhưng một đối tượng khác cũng có thể bị tác động là chiến đấu cơ FC-31, một tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 khác của Trung Quốc và hiện vẫn đang được phát triển dành cho thị trường quốc tế.
Tiêm kích FC-31 có các thông số kỹ thuật gần giống với F-35, và đã trải qua một số sửa đổi kể từ chuyến bay đầu tiên vào năm 2012, nhưng hiện vẫn chưa rõ giá bán.