"Ấn Độ khó vượt Trung Quốc làm động lực tăng trưởng toàn cầu"
(Dân trí) - Những thành tựu kinh tế gần đây của Ấn Độ, dù ấn tượng, cũng khó giúp nước này sớm thay thế Trung Quốc trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế thế giới, theo các nhà kinh tế của HSBC.
Các nhà kinh tế Frederic Neumann và Justin Feng của ngân hàng HSBC viết trong một báo cáo hôm 13/10 rằng, hiện nay, kinh tế Ấn Độ còn có quá ít trụ cột, trong khi Trung Quốc "đơn giản là quá lớn" và tầm quan trọng của nước này đối với nền kinh tế thế giới chưa thể bị lu mờ.
Các chuyên gia trên cho rằng, khoảng cách giữa 2 nền kinh tế châu Á sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai gần, lên tới 17.500 tỷ USD vào năm 2028, dựa trên dự báo của IMF. Con số này tương đương với quy mô hiện tại của nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU).
Năm 2022, khoảng cách giữa Ấn Độ và Trung Quốc đứng ở mức 15.000 tỷ USD.
Quan điểm của các nhà kinh tế trên hoàn toàn trái ngược với đánh giá lạc quan gần đây của những ngân hàng khác như Barclays, cho rằng mức tăng trưởng ổn định 8% sẽ giúp Ấn Độ vượt qua Trung Quốc để trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu trong 5 năm tới.
Theo chuyên gia HSBC, ngay cả khi giả định mức tăng trưởng Trung Quốc bằng 0 và mức tăng chi tiêu đầu tư ở Ấn Độ tăng gấp 3 so với trung bình gần đây, vẫn phải mất 18 năm nữa thì chi tiêu đầu tư của Ấn Độ mới bắt kịp Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Quốc chiếm khoảng 30% đầu tư thế giới, trong khi tỷ trọng của Ấn Độ chưa đến 5%. Đóng góp của New Delhi trong tiêu dùng toàn cầu cũng ở mức dưới 4%, so với 14% của Bắc Kinh.
Dù vậy, các nhà kinh tế của HSBC vẫn thực sự kỳ vọng Ấn Độ đóng góp đáng kể vào nhu cầu thế giới về hàng hóa, tiêu dùng và tư liệu sản xuất.
Nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% mỗi năm vào năm 2023 và 2024, trong khi nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 5% và 4,2% trong cùng thời kỳ, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.