1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ gồng mình chống đỡ tác động từ chiến sự Nga - Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Chiến sự Nga - Ukraine đang gây ra những khó khăn đối với Ấn Độ. Đơn cử, khoảng 60-70% vũ khí của Ấn Độ, bao gồm máy bay chiến đấu, xe tăng và hệ thống tên lửa, mua từ Nga.

Ấn Độ gồng mình chống đỡ tác động từ chiến sự Nga - Ukraine - 1

Với việc nguồn cung dầu ăn sang Ấn Độ bị cắt giảm, giá dầu ăn sẽ tăng lên khiến tình trạng lạm phát leo thang (Ảnh: AFP).

Chiến sự Nga - Ukraine đã gây nhiều sóng gió tới nền kinh tế thế giới và khiến giá dầu ăn leo thang chóng mặt do lo ngại về việc gián đoạn. Mọi việc xảy ra vào thời điểm nền kinh tế Ấn Độ đang dần hồi phục sau làn sóng Covid-19 thứ ba.

Hiện các nhà nhập khẩu dầu hướng dương tại quốc gia Nam Á này đã nhanh chóng chạy đua tìm kiếm nguồn cung thay thế. Ấn Độ nhập khẩu 200.000 tấn dầu hướng dương mỗi tháng, trong đó 70% đến từ Ukraine, 20% từ Nga và 10% còn lại từ Argentine.

Với việc nguồn cung sang Ấn Độ bị cắt giảm, giá dầu ăn sẽ tăng lên, khiến tình trạng lạm phát càng nghiêm trọng hơn. Tình trạng lạm phát lương thực ở nước này tăng vọt lên 5,4% trong tháng 1, từ mức 1% chỉ 5 tháng trước.

"Chúng tôi không biết tình hình sẽ kéo dài bao lâu và các biện pháp trừng phạt sẽ nhằm vào các lô hàng nào", ông Pradeep Chowdhry, giám đốc điều hành nhà sản xuất và nhập khẩu dầu ăn Gemini Edibles & Fats India, cho biết. "Điều này đã xảy ra vào thời điểm mà mọi thứ đang bình thường hóa sau làn sóng dịch Covid-19 nghiêm trọng thứ ba. Nhu cầu ngày càng tăng và du lịch đã bắt đầu hồi sinh".

Ấn Độ, giống như nhiều quốc gia khác, đang nỗ lực sẵn sàng ứng phó tác động của cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc ở Ukraine.

Thương mại của Ấn Độ với Ukraine và Nga không quá sâu rộng như với Trung Quốc và Mỹ, nhưng sẽ vẫn gây ra nhiều ảnh hưởng trong các lĩnh vực cụ thể như phân bón, khí đốt và than cốc.

Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ với Ukraine đạt 3,1 tỷ USD vào năm 2021, trong khi với Nga ở mức 11,9 tỷ USD. DBS Group Research cho rằng, mặc dù kim ngạch thương mại của Ấn Độ với Ukraine và Nga, không bao gồm quốc phòng, vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng lo ngại lớn là ở lĩnh vực năng lượng.

Giá dầu leo thang đặt ra thách thức lớn đối với Ấn Độ, quốc gia đã nhập khẩu 196,5 triệu tấn dầu thô trong tài khóa 2020-2021.

Theo công ty nghiên cứu Nomura của Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan và Philippines sẽ là những quốc gia ở châu Á có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi những diễn biến ở Ukraine gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo ông Victor N. Kladov, Giám đốc hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của tập đoàn quốc phòng Roste, hệ thống quốc phòng Ấn Độ cũng phụ thuộc phần lớn vào Nga, với các thỏa thuận quốc phòng trị giá 15 tỷ USD được ký từ năm 2018 đến năm 2021.

Khoảng 60-70% vũ khí của Ấn Độ, bao gồm máy bay chiến đấu, xe tăng và hệ thống tên lửa mua từ Nga.

Hiện tại, Ấn Độ đang tìm kiếm các khinh hạm tàng hình, thành lập một nhà máy sản xuất súng trường tấn công AK-203 ở Ấn Độ hợp tác với Nga và mua 600.000 khẩu súng trường tấn công AK-203 của Moscow.

Khi Nga đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế nặng nề hiện nay, kế hoạch nhập khẩu vũ khí này hiện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là vào thời điểm Ấn Độ đang hiện đại hóa quân đội để đối phó với Trung Quốc và Pakistan tại khu vực biên giới tranh chấp.

"Sẽ có nhiều tác động từ các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt (đối với hàng nhập khẩu quốc phòng). Việc chuyển giao công nghệ sẽ rất khó khăn", cựu tướng Ấn Độ Rahul K. Bhonsle, người điều hành công ty tư vấn Security Risks Asia, cho biết.

Ông Bhonsle lưu ý, dù New Delhi nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cấp quốc phòng của, nhưng "về lâu dài, hợp tác công nghệ quân sự Ấn Độ-Nga vẫn sẽ tiếp tục bất chấp những trở ngại".

"Chúng tôi đã liên tục nhận được thiết bị mới từ Nga. Khi không có thiết bị mới thay thế, các nước khác không thể cung cấp cho Ấn Độ do hạn chế về công nghệ hoặc giá cả vũ khí của họ quá đắt", ông nhấn mạnh.