Khủng hoảng Ukraine: Các nước châu Á ai lợi, ai thiệt?

Nhật Linh

(Dân trí) - Sẽ có kẻ thắng, người thua trong cuộc khủng hoảng này, nhưng có thể Trung Quốc được hưởng lợi từ việc chuyển hướng xuất khẩu của Nga.

Khủng hoảng Ukraine: Các nước châu Á ai lợi, ai thiệt? - 1

Đường ống dẫn dầu từ Seberia tới Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Căng thẳng leo thang ở biên giới Ukraine sẽ gây ra những ảnh hưởng kinh tế sâu rộng ở châu Á, nơi năng lượng của Nga là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có 3/10 đối tác thương mại lớn nhất của Nga, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sẽ có những kẻ thắng, người thua từ cuộc khủng hoảng này, đặc biệt khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai ở miền đông Ukraine và đưa quân tới đây để "duy trì hòa bình".

Giá dầu chắc chắn tăng cao hơn nữa

Suốt từ đầu năm nay, giá dầu đã tăng đều đặn khi khả năng cuộc xung đột ở Đông Âu leo thang. Nga là nhà sản xuất dầu và các nhiên liệu hóa lỏng lớn thứ 3 thế giới, vì vậy các lệnh trừng phạt đối với nước này gần như chắc chắn khiến giá dầu tăng cao hơn nữa.

Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao về khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại OANDA, cho rằng: "Nhìn chung, không có chuyện Mỹ và châu Âu đẩy Ukraine xuống và xoa dịu Putin nên dường như không thể tránh khỏi việc giá dầu Brent sẽ đạt ngưỡng 100 USD/thùng".

Việc giá dầu tiếp tục tăng cao có thể giáng một đòn mạnh vào tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước tại châu Á, nơi chiếm khoảng 35% lượng tiêu thụ dầu trên toàn cầu nhưng chỉ cung cấp khoảng 8% sản lượng, theo Hiệp hội các nhà sản xuất dầu khí quốc tế.

Ai hưởng lợi, ai thiệt hại?

Nói với tờ Al Jazeera, ông Ian Hall - Phó Giám đốc Viện Griffith châu Á ở Brisbane, Australia, cho biết Ấn Độ, nhà nhập khẩu dầu lớn thứ 3 thế giới, sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi cú sốc kinh tế lớn này.

Theo ông, Ấn Độ đang làm khá tốt và giá dầu vẫn ở mức thấp, nhưng nếu giá dầu tăng đột biến thì nó sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế nước này, đặc biệt khi Ấn Độ vừa gượng dậy sau 2 làn sóng Covid-19 vừa qua.

TS Tirumurti, đại diện thường trực của Ấn Độ tại Liên Hiệp Quốc, cho biết cuộc khủng hoảng này là một mối quan ngại sâu sắc đối với hòa bình và an ninh khu vực. Ông kêu gọi cần có những nỗ lực lớn hơn để kết nối các lợi ích khác nhau.

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng bày bỏ mối lo ngại về tác động của cuộc khủng hoảng này đối với kinh tế có thể lớn. Ông cho biết, chính phủ của ông cần phải nhanh chóng hành động để đảm bảo hạn chế tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng, ngũ cốc và nguyên liệu thô.

Tại Nhật Bản, nước này cho biết sẽ cùng Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt. Cuộc khủng hoảng khiến cho đồng Yên của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này mạnh lên khi được coi là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo bà Alicia Garcia-Herrero, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis ở Hồng Kông, lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh đối với khí đốt của Nga có thể mang lại lợi ích cho Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất dầu lớn thứ 4 thế giới.

Nói với Al Jazeera, bà Garcia-Herrero cho rằng: "Hàng hóa xuất khẩu của Nga sẽ chuyển hướng từ châu Âu, vốn là đối tác thương mại lớn nhất trước sự kiện Crimea, sang Trung Quốc".

Theo bà, xuất khẩu nhiên liệu dành riêng cho châu Âu của Nga sẽ được chuyển hướng sang nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian bởi dự án đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia từ Nga đến Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành.

Không chỉ nhiên liệu, các hàng hóa xuất khẩu khác và máy móc sản xuất của Nga vốn được xuất sang các nước như Đức cũng đang phải tìm kiếm thị trường khác.

"Tất cả các mặt hàng này sẽ đến Trung Quốc vì các lệnh trừng phạt", bà nói và cho rằng, đó chính xác là những gì đã xảy ra với Crimea, vì vậy Trung Quốc sẽ hưởng lợi trong việc chuyển hướng xuất khẩu từ châu Âu sang Trung Quốc.

Ông Kent Wong, Giám đốc ngân hàng và tài chính tại VCI Legan ở TPHCM cũng cho rằng, Đông Nam Á có thể hưởng lợi từ việc chuyển hướng dòng vốn.

"Có thể sẽ có một số khoản đầu tư từ phương Tây vào Đông Nam Á như một loại hàng rào chống lại sự bất ổn ở Đông Âu", ông Wong nói với Al Jazeera.

Tuy vậy, bất kỳ tiến triển nào của cuộc khủng hoảng cũng gây thiệt hại. Thị trường chứng khoán trên khắp châu Á hôm qua đã giảm mạnh trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh leo thang. Trong bất kỳ cuộc xung đột vũ trang nào, các mối quan hệ kinh tế cũng cần được xác định lại.

Ví như Trung Quốc, theo bà Garcia-Herrero, nước này có thể đóng vai trò lớn hơn trong các dự án chung với nước láng giềng phía Bắc. Đặc biệt, với dự án sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Bắc cực, có khả năng được hưởng lợi nhờ Trung Quốc đầu tư nhiều hơn.

"Nga đã cố gắng né Trung Quốc trong một thời gian dài để nước này không tham gia quá mức vào dự án đó, nhưng giờ điều đó sẽ xảy ra bởi Nga không thể một mình tài trợ cho dự án đó", bà nói.

Căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Đông Âu cũng có thể khiến các quốc gia nhỏ hơn ở châu Á ôn hòa hơn với Trung Quốc liên quan đến các hiệp định thương mại khi các quốc gia phương Tây đang bị phân tâm bởi cuộc xung đột.

"Trong thời gian đó, Trung Quốc sẽ cố gắng tăng cường liên kết với phần còn lại của châu Á, chắc chắn bao gồm Trung Á và Nga", bà Garcia-Herrero nói và cho biết thêm: "Vấn đề là họ sẽ làm gì với Ấn Độ và Ấn Độ sẽ phản ứng ra sao.

Điều này, theo ông Hall, phụ thuộc vào việc Nga sẽ lún sâu vào cuộc khủng hoảng này như thế nào và phản ứng của cộng đồng quốc tế ra sao.

"Nếu các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ hay châu Âu có thể tác động trực tiếp đến các nước như Ấn Độ, họ sẽ tìm một số biện pháp để kiểm soát các lệnh trừng phạt đó", ông Hall nói và cho biết, điều này có khả năng xảy ra vì Ấn Độ khá phụ thuộc vào công nghệ quốc phòng của Nga. Do đó, họ phải có khả năng thanh toán cho điều đó bằng cách này hay cách khác nếu việc thanh toán qua các kênh ngân hàng gặp khó khăn.

Vàng sẽ kiểm định lại mốc 2.100 USD/ounce

Còn ông Wong tại VCI Legal ở Việt Nam cho rằng, cuộc khủng hoảng sẽ thúc đẩy nhiều nhà đầu tư trong khu vực đổ tiền vào các tài sản ổn định và ít rủi ro hơn. "Bạn sẽ chứng kiến vàng tăng giá bởi vàng là một tài sản tự nhiên đối với người dân ở đây", ông nói.

"Như một hàng rào chống lạm phát hay lạm phát đình trệ hoặc sự không chắc chắn, vàng dường như sẵn sàng đi lên và không loại trừ kiểm định lại mốc cao nhất mọi thời đại là gần 2.100 USD/ounce", ông nói.

Tuy nhiên, việc phòng ngừa rủi ro lạm phát có thể dễ nói hơn làm.

Theo ông Halley, cuộc khủng hoảng tại Ukraine khiến nhiều ngân hàng trung ương đang chuẩn bị tăng lãi suất rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ông dự đoán lãi suất sẽ không thay đổi bất chấp áp lực lạm phát gia tăng trên toàn cầu khi giá dầu chạm mốc 130 USD/thùng.

Theo Al Jazeera