Ấn Độ đau đầu vì nhiều người chết do mải chụp ảnh "tự sướng"
(Dân trí) - Giới chức Ấn Độ đã lên tiếng báo động về tình trạng ngày càng nhiều người dân nước này vô tình thiệt mạng vì tai nạn trong khi họ mải mê chụp ảnh "tự sướng".
Trong ba tháng đầu năm nay, Ấn Độ ghi nhận hàng chục ca tử vong liên quan tới việc chụp ảnh "tự sướng" và đó dường như chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Phía cảnh sát cho rằng số lượng người chết vì tai nạn khi chụp ảnh "tự sướng" có thể cao hơn nhiều, thậm chí lên tới mức hàng nghìn trường hợp vì có nhiều vụ việc không được ghi nhận hoặc nguyên nhân chính dẫn tới tử vong không được xếp vào nhóm "chết vì chụp ảnh tự sướng".
Theo SCMP, Ấn Độ trong những năm qua trở thành một trong những nơi ghi nhận nhiều ca tử vong nhất thế giới do các tai nạn liên quan tới chụp ảnh "tự sướng".
Hồi đầu tháng, 2 thiếu niên bị đuối nước ở hồ khi đang chụp ảnh "tự sướng" ở thành phố Agra. Tại bang Orissa, một phụ nữ 27 tuổi chết đuối trên sông khi mải mê chụp ảnh chính mình.
Cũng tại Orissa, một học sinh 13 tuổi đã chết cháy vì vướng vào dây điện cao thế khi chụp ảnh "tự sướng" trên nóc một đoàn tàu đang di chuyển.
Năm 2018, các nhà nghiên cứu từ viện y khoa All India cho hay, Ấn Độ chiếm tới 50% trên tổng số 259 ca tử vong vì chụp ảnh "tự sướng" ghi nhận trên toàn thế giới từ năm 2011-2017.
Bản báo cáo chỉ ra rằng Ấn Độ, Nga, Mỹ và Pakistan là những nước có nhiều trường hợp thiệt mạng liên quan tới chụp ảnh "tự sướng" nhất, với các nguyên nhân chính là bị chết đuối, bị tàu hoặc xe hơi tông, hoặc ngã từ cao xuống.
Các chuyên gia cho rằng việc người Ấn Độ "thích chụp ảnh tự sướng" là do yếu tố về văn hóa xã hội và sự bùng nổ của công nghệ điện thoại thông minh.
Ấn Độ có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất thế giới và số lượng người dùng điện thoại thông minh ước tính đạt hơn 760 triệu người trong năm nay, theo thống kê của công ty Statista (Đức).
Rita Joshi, giáo sư xã hội học tại Đại học Delhi, cho biết ở một quốc gia có ý thức về tầng lớp cao như Ấn Độ, ảnh "tự sướng" là một trong những công cụ giúp cho tầng lớp trung lưu thể hiện bản thân.
"Ảnh tự sướng giúp mọi người cảm thấy hợp thời khi họ đăng chúng lên mạng xã hội và nhận được lượt yêu thích. Đó là cách dễ nhất cho giới trẻ kết nối với toàn cầu, đặc biệt là các quốc gia phương Tây thời thượng có phong cách sống mà họ muốn học theo", giáo sư trên nói.
Ngoài ra, việc người nổi tiếng và những nhân vật quyền lực thích chụp ảnh "tự sướng" cũng ảnh hưởng tới tâm lý của người dân.
Những lo ngại
Những thống kê gây "sốc" kể trên đã khiến dư luận Ấn Độ đặc biệt quan ngại, thúc đẩy nhiều tổ chức tung ra các phong trào nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc khi chụp ảnh "tự sướng".
Một giáo sư ở viện công nghệ thông tin Indraprastha Ấn Độ đã tung ra một ứng dụng tên là "Saftie" nhằm cảnh báo người dùng về những địa điểm chụp ảnh "tự sướng" nguy hiểm, sử dụng thông tin do cộng đồng đóng góp.
Doanh nhân Deepak Gandhi, trong khi đó, phát động phong trào "SelfieToDieFor" nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự nguy hiểm khi liều mình chụp ảnh "tự sướng". Họ kêu gọi mọi người chụp ảnh một cách "có trách nhiệm".
Chính phủ Ấn Độ cũng vào cuộc để giải quyết vấn nạn "đau đầu" này. Các hãng đường sắt nhà nước phát động phong trào chụp ảnh "tự sướng" an toàn, quy định những biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt với những người gây nguy hiểm khi chụp ảnh "tự sướng". Cảnh sát ở một số địa phương thậm chí còn lập nên các khu "cấm chụp ảnh tự sướng" tại các bãi biển nổi tiếng.
Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Piyush Goyal khuyến cáo những người trẻ không chụp ảnh tự sướng trên đường ray xe lửa. Cơ quan này phát động các chiến dịch nâng cao nhận thức để cảnh báo mọi người về những mối nguy hiểm.