1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ "đau đầu" vì 100 triệu dân lười đi tiêm vaccine Covid-19 mũi 2

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ấn Độ tính gõ cửa từng nhà, kêu gọi sự trợ giúp của các lãnh đạo tôn giáo để vận động hơn 100 triệu dân đã tiêm vaccine mũi một nhưng vẫn chần chừ chưa tiêm mũi 2.

Ấn Độ đau đầu vì 100 triệu dân lười đi tiêm vaccine Covid-19 mũi 2 - 1

Ấn Độ từng trải qua làn sóng bùng dịch nghiêm trọng hồi đầu năm (Ảnh: Getty).

Mắc bệnh thừa cân và béo phì, cô Kavita Menon suýt tử vong vì các biến chứng của Covid-19 trong làn sóng bùng dịch thứ 2 ở quốc gia Nam Á hồi đầu năm.

"Một ngày, tình trạng của tôi trở nên tồi tệ tới mức mà chồng tôi đã đưa 2 con tới bệnh viện để nói lời từ biệt. Tôi sống sót được là phép màu", cô Menon cho biết.

Người phụ nữ 42 tuổi này hiện làm giúp việc bán thời gian và chồng cô là tài xế trong một văn phòng. Cả 2 đều đã tiêm một mũi vaccine và mặc dù thời hạn để tiêm mũi 2 là đầu tháng 10, họ vẫn chưa đi tiêm chủng.

"Tôi không muốn mất một ngày lương để tới trung tâm tiêm chủng. Chồng tôi cũng vậy. Lương anh ấy gần đây đã bị cắt giảm. Và số ca bệnh xuống thấp nên tôi thấy dịch không còn đáng sợ nữa", Menon cho biết.

Cặp đôi này nằm trong số 103,4 triệu người Ấn Độ đã tiêm một mũi nhưng chưa đi tiêm mũi 2 và điều này có thể ảnh hưởng tới mục tiêu tiêm đủ liều cho một tỷ dân của Ấn Độ tới cuối năm.

Ngày 3/11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi chính quyền địa phương đến gõ cửa từng nhà ở các ngôi làng và thị trấn để vận động người dân tiêm chủng.

"Ngay cả ở những nước giàu, Covid-19 đang trỗi dậy trở lại và quốc gia như Ấn Độ sẽ không thể chịu đựng nó thêm một lần nữa. Vì vậy, việc tiêm chủng đủ liều là rất quan trọng. Trước đây, chính quyền đưa ra lịch hẹn để người dân tới trung tâm tiêm chủng. Giờ đây, vaccine cần phải được đưa tới từng nhà để tiêm cho người dân", ông Modi nhấn mạnh.

Ông Modi kêu gọi các quan chức nghĩ ra cách thuyết phục người dân, bao gồm cả sử dụng video tuyên truyền và vận động sự trợ giúp từ các lãnh đạo tôn giáo.

Trong khi nhiều nhà virus học nói rằng Ấn Độ có ít khả năng phải hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ 3, có những mối lo ngại rằng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu có biến chủng mới xuất hiện tại thời điểm mà quốc gia này đang chứng kiến quá nhiều người đang không tiêm vaccine liều 2.

Theo giới quan sát, hiện tượng "ngừng thuốc giữa chừng" không phải là điều quá lạ ở Ấn Độ. Ví dụ, nhiều bệnh nhân Ấn Độ sẽ không hoàn thành liệu trình kháng sinh và bỏ thuốc ngay khi họ cảm thấy khỏe hơn. Với Covid-19, nhiều người tin rằng chỉ cần một liều vaccine là đủ để chống lại virus.

Tâm lý chủ quan gây lo ngại

Chương trình tiêm chủng của Ấn Độ bắt đầu từ tháng Một và đã trải qua giai đoạn khó khăn khi họ đối mặt với tình trạng thiếu vaccine. Sau đó, họ đã tăng tốc sản xuất vaccine và tiêm chủng thần tốc. Ngày 21/10, họ tiến tới mốc 1 tỷ liều vaccine được tiêm, với 77% dân số trưởng thành đã tiêm một liều và 34% tiêm đủ liều.

Số liều trung bình tiêm một ngày đạt đỉnh vào giữa tháng 9 ở mức 9 triệu liều, nhưng giờ đây giảm xuống 4-5,5 triệu liều.

Số ca bệnh giảm xuống được cho là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động tới tâm lý chần chừ đi tiêm mũi 2 của người Ấn Độ. Trong tháng trước, họ ghi nhận 30.000 ca/ngày, so với con số kỷ lục hơn 400.000 ca hồi cao điểm. Trong tuần qua, số ca trung bình mỗi ngày dao động ở mức 12.000, thấp nhất trong 8 tháng.

Cuộc sống ở Ấn Độ đã dần trở về bình thường. Khách đổ xô tới siêu thị, trung tâm thương mại. Mọi người ra ngoài dùng bữa. Ngày càng ít người đeo khẩu trang cẩn thận. Các bệnh viện không còn quá tải.

Tuy nhiên, Thủ tướng Modi vẫn cảnh báo nguy cơ trước sự chủ quan ngày càng gia tăng của người dân: "Nếu chúng ta không để tâm tới dịch bệnh sau khi tiêm chủng một tỷ dân, một cuộc khủng hoảng mới có thể xảy ra".