1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ đang dần dần ngả sang phía Mỹ

Ấn Độ đã bắt đầu đánh giá cao lợi ích công nghệ tiềm tàng trong quan hệ quốc phòng với Mỹ, theo báo Business Standard (Ấn Độ).

Ấn Độ đang dần dần ngả sang phía Mỹ - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thăm tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ (Ảnh: Rediffnews)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vừa mới đến thăm Ấn Độ. Tháng trước, New Delhi đã đón Đô đốc Harry Harris, tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ. Vài ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã bác bỏ đề nghị của đô đốc Mỹ về tuần tra chung.

Không nản lòng, nghị sĩ George Holding đã trình Hạ viện Mỹ “Đạo luật về hợp tác công nghệ và quốc phòng Mỹ-Ấn”. Nếu dự luật được thông qua, quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn sẽ được đưa vào khuôn khổ luật pháp Mỹ và sẽ hợp thức hóa Ấn Độ là đối tác lớn của Mỹ.

Chính quyền Mỹ đã nuôi dưỡng quan hệ Mỹ-Ấn với “Sáng kiến Thương mại và công nghệ quốc phòng” (DTTI) và thành lập một cơ quan phản ứng nhanh với Ấn Độ tại Lầu Năm Góc. Bây giờ lại thêm dự luật mới.

Báo Business Standard nhận định Mỹ và Ấn Độ đều có mối quan tâm chung về hành động hung hăng của Trung Quốc. Mỹ muốn xây dựng Ấn Độ như bức tường thành chia sẻ gánh nặng an ninh khu vực. Chính sách “hướng Đông” của Thủ tướng Narendra Modi cũng phù hợp với chiến lược “tái cân bằng châu Á” của Mỹ.

Mặc dù vậy, đến nay quan hệ chiến lược Mỹ-Ấn là “hội tụ về phía đông và phân kỳ về phía tây”. Những nhà hoạch định chính sách Ấn Độ chua chát nhận thấy Mỹ vạch ra con đường hòa bình ở Afghanistan chạy qua Pakistan và gạt Ấn Độ sang một bên. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn ngầm hỗ trợ hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan và kế hoạch phát triển cảng Gwadar của Pakistan.

Dù Mỹ và Ấn Độ cùng đối thoại chống khủng bố và tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, Mỹ vẫn chấp nhận các chiến binh thánh chiến Ấn Độ tại Pakistan và tiếp tục cung cấp vũ khí hiện đại như máy bay Block 50/52 F-16 cho Pakistan trong khi bỏ qua phản đối của Ấn Độ.

Tuy nhiên, dấu hiệu chín muồi chiến lược Mỹ-Ấn vẫn bộc lộ khi Ấn Độ tiếp tục tăng cường quan hệ Mỹ-Ấn trong mô hình Afghanistan-Pakistan. Trên thực tế Ấn Độ đã liên kết quân sự với bộ chỉ huy trung tâm của Mỹ. Thỏa thuận khung về tăng cường quốc phòng Ấn-Mỹ đã được gia hạn thêm 10 năm đến năm 2025.

Mỹ tập trận chung với Ấn Độ nhiều hơn nước nào khác. Mùa hè này, không quân Ấn Độ cùng các phi đội sẽ sang Mỹ tham gia cuộc tập trận Red Flag. Mỹ vẫn duy trì bán thiết bị quốc phòng cho Ấn Độ. Nếu hợp đồng mua bán pháo M777 siêu nhẹ, máy bay vận tải C-17 Globemaster III và máy bay hàng hải P8-I được tiếp tục, Mỹ sẽ trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ.

Trong khuôn khổ DTTI (ký kết năm 2012), Ấn Độ có thể yêu cầu Mỹ tham gia thiết kế tàu sân bay thứ hai của Ấn Độ. Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter biết rằng trong ngắn hạn, quan hệ đối tác Mỹ-Ấn sẽ được thúc đẩy từ chuyển giao công nghệ cao để đối phó với đe dọa từ Trung Quốc.

Theo Bảo Yến

Pháp luật TPHCM