Aleppo - Chiến trường khốc liệt nhất Syria
Theo người đứng đầu Liên Hợp Quốc, Aleppo đã biến thành chiến trường lớn nhất kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra vào năm 2011.
Trên 200 người đã thiệt mạng kể từ khi quân đội Syria mở cuộc tấn công vây hãm mới nhất vào thành phố miền Nam Syria này.
Hàng trăm ngàn dân thường vẫn bị giam hãm ở Aleppo vào ngày 25/9, ba ngày sau khi quân đội Syria mở một cuộc tấn công nhằm giành lại các khu vực đang nằm trong sự kiểm soát của phiến quân ở trung tâm kinh tế một thời của Syria.
Theo báo cáo của các nhóm quan sát, ít nhất 49 người đã thiệt mạng vào ngày 24/9, gồm 11 trẻ em, do lực lượng cứu trợ không thể tiếp cận đến các khu vực bị oanh tạc. Đài truyền hình quốc gia Syria cũng đưa tin ít nhất có năm người đã thiệt mạng trong khu vực do chính phủ Syria kiểm soát.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh ước tính tổng số người thiệt mạng kể từ thứ năm (22/9) khi quân đội Syria công bố bắt đầu chiến dịch tấn công của mình vào phía Đông thành phố Aleppo là trên 200 người. Các lực lượng có vũ trang Syria đã yêu cầu dân thường sơ tán khỏi các khu vực gần các tổng hành dinh và cứ điểm của "các băng đảng khủng bố có vũ trang".
Chính phủ Syria dùng từ "khủng bố” để chỉ các nhóm cầm súng chiến đấu để phế truất Tổng thống Bashar al-Assad, bao gồm các lực lượng phiến quân được Mỹ ủng hộ, và nhóm IS.
Trên 250.000 người dân thường đã mắc kẹt ở miền Đông Aleppo trong tình trạng thiếu nước sau khi các cuộc không kích của Nga nhằm vào trạm bơm nước chính của vùng này vào ngày 24/9. Các lực lượng phiến quân đã trả đũa bằng cách khoá các trạm bơm nước do chính phủ nắm giữ tại Aleppo, dẫn tới 1,5 triệu người không có nước sinh hoạt.
Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các bên tham chiến "ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng nước” và coi đây là một tội ác chiến tranh theo nghị định thư bổ sung Công ước Geneva.
"Không kích dữ dội"
Trước cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc vào ngày 25/9, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon lên án đây là "cuộc dội bom khốc liệt và dai dẳng nhất kể từ khi xảy ra xung đột tại Syria” vào năm 2011.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid Muallem cho biết rằng sự tham gia của Nga, Iran và Hezbollah, nhóm dân sự thuộc bộ tộc Shiite của Lebanon, cho thấy ai là "những người bạn thực sự” của Damascus. Ông Muallem phát biểu: "Niềm tin chiến thắng của chúng tôi lúc này ngày càng lớn hơn vì quân đội Syria đang có những bước tiến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố với sự hỗ trợ của những người bạn thực sự của nhân dân Syria”.
Ông Muallem cũng khẳng định rằng các cuộc không kích của liên minh do Mỹ dẫn đầu đã làm thiệt mạng ít nhất 62 lính Syria vào ngày 17/9 là "có chủ đích” bất chấp Washington đã có lời giải thích do sơ xuất.
Khu vực gần Alawite bị sao nhãng?
Trong một cuộc tấn công song song ở ngoài thành phố Aleppo, các lực lượng phiến quân, bao gồm nhóm jihad Jund al-Aqsa đã chiếm được hai làng Maan và al-Kabariya ở phía Bắc tỉnh Hama, sát khu vực duyên hải nơi bộ tộc Alawite của Tổng thống Assad sinh sống.
Theo Hội chữ Thập đỏ Quốc tế, tại Homs, một đoàn 36 xe tải chở hàng viện trợ đã đến được quận Waer do phiến quân kiểm soát. Chặn đường cung cấp lương thực, nước và thuốc men là chiêu bài tất cả các bên vận dụng trong cuộc chiến kéo dài gần sáu năm tại Syria.
Trên 300.000 người thiệt mạng và một nửa dân số Syria buộc phải tha hương kể từ khi xung đột bùng phát tại Syria vào năm 2011./.
Theo CTV Xuân Hương/VOV.VN/DW