1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cuộc chiến Syria: 300 nghìn mạng người và 13 nghìn tỉ USD

Số người thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài từ năm 2011 đến nay ở Syria đã vượt xa con số 300.000, thiệt hại do chiến tranh là hơn 13 nghìn tỉ USD...

Những tổn thất lớn lao về con người

Theo báo cáo của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon tại Hội nghị cấp bộ trưởng của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ ngày 21-9, lãnh đạo các quốc gia hàng đầu trên thế giới phải lấy làm hổ thẹn về bi kịch lớn đang diễn ra tại Syria. “Mỗi quốc gia của HĐBA đều phải chịu trách nhiệm về xu hướng phân rã quan điểm trong cộng đồng quốc tế” - TTK Ban Ki-moon khẳng định.

Nếu trước đây LHQ ước tính số người thiệt mạng trong cuộc chiến Syria vào khoảng 250 nghìn thì bây giờ, theo báo cáo mới nhất từ các tổ chức quốc tế, TTK thông báo rằng, con số đó đã vượt xa mốc 300 nghìn.

Cuộc chiến Syria: 300 nghìn mạng người và 13 nghìn tỉ USD - 1

Văn phòng TTK LHQ một lần nữa lên tiếng cho rằng, Chính phủ Syria “tàn nhẫn chà đạp nhân quyền”, nhưng cũng nói thêm rằng “các nhóm đối lập cũng làm như vậy”. “Các nhóm khủng bố với niềm vui sướng ngoan cố phô trương sự tàn ác của mình” - TTK Ban Ki-moon nói. Ông cũng nhắc đến các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria và kêu gọi đưa ra công lý những thủ phạm của tội ác này và nhiều tội ác khác, một lần nữa yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague xem xét tình hình tại Syria.

Theo lời TTK LHQ, trong tình hình phức tạp hiện nay, nhiều người dân Syria lo ngại rằng, đất nước họ sẽ bị chia năm xẻ bảy, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các tổ chức khủng bố khác sẽ lợi dụng điều đó để hoành hành mạnh hơn nữa.

“Đã đến lúc phải thay đổi triệt để tình hình. Tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy nỗ lực sử dụng ảnh hưởng của mình tác động đến việc tái lập tình trạng ngừng bắn, bảo đảm nguồn cung cấp viện trợ nhân đạo, hỗ trợ LHQ vạch ra và thực hiện các giải pháp thương thuyết hiệu quả nhất để giúp người dân Syria thoát khỏi cảnh địa ngục trần gian” - TTK LHQ nói với thành viên HĐBA và yêu cầu họ dành ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ này.

Về việc phối hợp các hoạt động quân sự và đàm phán

TTK Ban Ki-moon cũng kêu gọi các nước thành viên HĐBA hết sức cố gắng thiết lập tình trạng ngừng bắn ở Syria, cấm các hoạt động tác chiến của không quân Syria và chung sức tiến hành các hoạt động quân sự nhắm vào các tổ chức khủng bố như IS và Jabhat en-Nusra.

“Chúng ta cần nỗ lực hết mình để đạt được chế độ đình chiến. Tôi tha thiết kêu gọi các bên liên quan sử dụng nguồn lực và mức ảnh hưởng của mình để thực hiện điều đó. Tôi mong rằng cơ hội sẽ đến gần cho một lệnh ngừng bắn được thực thi triệt để, mọi nguồn viện trợ nhân đạo sẽ được chuyển đến tay người dân, không quân Syria sẽ tuân thủ lệnh cấm bay và như vậy mới có thể tập trung mọi nguồn lực vào việc phối hợp các hoạt động quân sự để tiêu diệt IS và Jabhat en-Nusra” - TTK Ban Ki-moon cho biết. Ông cũng nói thêm rằng, nếu những điều trên được thực hiện tốt thì con đường đàm phán hòa bình cho Syria sẽ được mở rộng.

TTK LHQ cũng nhấn mạnh, chỉ cần Damascus và các phe nổi dậy đồng ý đàm phán với nhau thì các bên đều có cơ hội tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản về việc cải tổ chế độ chính trị và chuyển giao quyền lực trong nước. TTK Ban Ki-moon khẳng định, đặc phái viên của ông về Syria, Staffan de Mistura, sẽ trình bày với các bên một văn bản khung mà trên cơ sở đó các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành.

Đồng thời TTK kêu gọi các quốc gia tham gia vào quá trình giải quyết tình hình Syria hãy hành động một cách hiệu quả nhằm thuyết phục được các bên tham gia xung đột ngồi vào bàn đàm phán với thiện chí sẵn sàng thảo luận nghiêm túc và mỗi bên cần có sự thỏa hiệp nhất định. Ông cũng nhắc lại quan điểm của mình, tương lai của Syria không nên phụ thuộc vào số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.

“Nếu một bên tiếp tục khẳng định không thảo luận về quyền lực của tổng thống thì một giải pháp thương lượng không bao giờ có thể được tìm ra. Và nếu phía bên kia yêu cầu Tổng thống chỉ đơn giản là ra đi ngay trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi thì thật khó khăn để có được một cuộc đàm phán chân thành” - TTK Ban Ki-moon nói.

Những thiệt hại to lớn về vật chất

Xét về mặt vật chất, cuộc chiến ở Syria cũng gây những thiệt hại vô cùng to lớn. Tại Hội nghị Ủng hộ Quỹ Hòa bình và Nhân đạo LHQ, TTK Ban Ki-moon cho biết, chỉ trong năm 2015, cộng đồng quốc tế đã phải chịu tổn thất lên đến hơn 13 nghìn tỉ USD vì các cuộc xung đột vũ trang ở Trung Đông, chỉ tính chi phí cho cuộc chiến và thiệt hại do các cơ sở vật chất bị chiến tranh tàn phá, chưa kể đến những thiệt hại khó tính toán như sự bất ổn trong tình hình chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu, nạn di cư do chiến tranh gây xáo trộn đời sống xã hội ở nhiều nước châu Âu.

“Sự biến đổi khí hậu toàn cầu, khủng hoảng kinh tế, nhiều cơ cấu tài chính sụp đổ, bất công lan rộng, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đạt mức cao nguy hiểm - tất cả những yếu tố đó đều là ngòi nổ cho những quả bom xung đột và gây áp lực nặng nề lên mỗi người trên toàn thế giới. Sau một thời gian yên ổn khá dài, hiện nay các cuộc xung đột lại liên tiếp xảy ra. Mặc dù chiến tranh giữa các quốc gia hầu như không còn, nhưng xung đột nội bộ ở nhiều quốc gia nổi lên rất mạnh và thường lôi kéo các lực lượng từ bên ngoài vào tham gia hậu thuẫn cho bên này hay bên khác” - TTK Ban Ki-moon nhận xét.

Vai trò của Quỹ Hòa bình và Nhân đạo LHQ

“Theo tính toán chưa đầy đủ của các chuyên gia, trong năm 2015, các cuộc xung đột và những hành động bạo lực đã khiến toàn thế giới chịu khoản tổn thất 13,6 nghìn tỉ USD. Nếu chia đều ra, mỗi cư dân trên hành tinh chúng ta phải gánh chịu 1.800USD. Cần biết tại hàng chục quốc gia nghèo khó, thu nhập bình quân đầu người một năm chưa đạt 1/4 con số đó, chỉ xấp xỉ 400USD/người/năm. Cũng trong năm 2015, theo tổng hợp báo cáo từ các tổ chức quốc tế, cộng đồng thế giới đã phải chi 34 tỉ USD cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo, giải quyết vấn đề dân tị nạn, cứu chữa những người bị thương trong chiến tranh” - TTK Ban Ki-moon cho biết thêm.

Ông Ban Ki-moon diễn giải rằng những chi phí cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo nếu được sử dụng kịp thời thì chắc chắn giúp các nạn nhân chiến tranh thoát được nhiều thảm kịch. Vì thế ông kêu gọi các quốc gia có điều kiện hãy mở rộng tấm lòng, mạnh tay đóng góp vào Quỹ Hòa bình và Nhân đạo của LHQ. “Quỹ này sẽ cứu giúp hàng triệu nạn nhân của chiến tranh và thiên tai trên toàn cầu, góp nguồn lực vào việc thực hiện những dự án phúc lợi dành cho những người cần đến nó. Cần biết, những dự án như thế rất khó kêu gọi đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân” - ông nói.

Quỹ Hòa bình và Nhân đạo của LHQ có vốn điều lệ 250 triệu USD, được thành lập năm 2006. Hoạt động chính của quỹ là tài trợ các hoạt động củng cố hòa bình và tái thiết quốc gia sau chiến tranh. Quỹ này được thành lập trên cơ sở Nghị quyết của HĐBA và Đại hội đồng LHQ về việc thành lập Ủy ban Xây dựng hòa bình, được thông qua năm 2015.

Theo Phạm Bá Thủy/ Tass

PetroTimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm