1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ai thắng, ai thua sau lệnh áp thuế nhôm, thép không ngoại lệ của ông Trump?

Minh Phương

(Dân trí) - Chính sách áp thuế 25% đối với tất cả nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia.

Ai thắng, ai thua sau lệnh áp thuế nhôm, thép không ngoại lệ của ông Trump? - 1

(Ảnh minh họa: Getty).

Tổng thống Donald Trump ngày 10/2 phê duyệt lệnh áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Hai kim loại này là thành phần thiết yếu trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm vận tải, xây dựng và đóng gói. Mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3.

Mỹ

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi bên chiến thắng lớn nhất của quy định thuế vừa được ông Trump ban hành là Mỹ.

Dữ liệu chính thức cho thấy lượng thép nhập khẩu của Mỹ giảm đáng kể trong thập niên qua, giảm 35% trong giai đoạn 2014-2024, mặc dù năm ngoái lại ghi nhận mức tăng 2,5% lên 26,2 triệu tấn.

Diễn biến này được cho là do mức thuế mà ông Trump áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Tuy nhiên, lượng nhôm nhập khẩu của Mỹ tăng 14% trong cùng giai đoạn.

James Campbell, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn định giá hàng hóa CRU, dự đoán mức thuế mới sẽ có những tác động khác nhau với Mỹ theo thời gian. Ông nói: "Lúc đầu, điều này có thể gây tổn hại đến nhu cầu. Song về lâu dài, chúng ta có thể thấy đầu tư sẽ tăng lên".

Kể từ đợt áp thuế đầu tiên của ông Trump vào năm 2018, ông Campbell nhận thấy đầu tư tại Mỹ vào lĩnh vực thép và nhôm đều tăng lên.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu. Chính quyền của ông cũng giới hạn khối lượng nhập khẩu đối với hàng hóa từ nhiều quốc gia khác, bao gồm Hàn Quốc, Argentina và Australia.

Sau đó, một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ chỉ ra trong 5 tháng đầu tiên áp dụng chính sách mới, chính quyền của ông Trump thu được hơn 1,4 tỷ USD từ thuế quan.

Năm 2024, Mỹ nhập khẩu thép từ 79 quốc gia và nhôm từ 89 quốc gia. Theo dữ liệu của chính phủ, tổng giá trị nhập khẩu của những mặt hàng này đạt hơn 49 tỷ USD.

Canada và Mexico

Hai quốc gia này nằm trong số những nước xuất khẩu thép và nhôm lớn nhất sang Mỹ, do đó có khả năng bị ảnh hưởng bởi quy định thuế này ngay khi nó có hiệu lực.

Đức

Đức cũng là nước xuất khẩu thép lớn sang Mỹ, có khả năng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thuế suất mới.

Tuy nhiên, trả lời CNBC, Thyssenkrupp, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu, dự đoán hoạt động kinh doanh của họ sẽ chịu tác động rất ít. Điều này là bởi châu Âu vẫn là thị trường chính của họ, chỉ những sản phẩm ngách chất lượng cao mới được xuất khẩu sang Mỹ, nơi mà họ vẫn duy trì được "vị thế thị trường tốt".

Một phát ngôn viên của công ty nói: "Phần lớn doanh số bán hàng của Thyssenkrupp tại Mỹ đến từ mảng thương mại và cung cấp cho ngành ô tô. Về nguyên tắc, Thyssenkrupp có vị thế tốt ở các hoạt động này tại Mỹ. Hơn nữa, phần lớn hoạt động sản xuất cho khách hàng Mỹ cũng được thực hiện tại Mỹ".

Châu Á

Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản cũng nằm trong số các quốc gia có khả năng bị áp thuế nhập khẩu kim loại mới này.

Theo CNBC
Dòng sự kiện: Chính quyền Trump 2.0