1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ai đắc lợi trong cuộc khủng hoảng Ukraine?

Cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay đã đẩy mối quan hệ Mỹ - Nga xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời thách thức trật tự an ninh ở châu Âu, đặc biệt là tại hầu hết các quốc gia Đông Âu.

Khi thúc đẩy áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva và hỗ trợ Kiev, các nhà hoạch định chính sách Mỹ có vẻ như đã ít nghĩ đến những tác động địa chính trị lâu dài của sự rạn nứt này trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Và nếu không có giải pháp khả thi cho cuộc xung đột ở Ukraine, kẻ chiến thắng cuối cùng trong cuộc đối đầu phương Tây - Nga này không phải là Washington hay Moskva, mà chính là Trung Quốc. Hãy xem, quốc gia tưởng chừng như không hề liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine này đã “đắc lợi” như thế nào qua phân tích của bà Gabriela Marin Thornton là phó giáo sư giảng dạy về quan hệ quốc tế tại Trường đại học Texas A&M.

Trung Quốc đang lên

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới được đo bằng sức mua tương đương. Bắc Kinh cũng đang mạnh dạn đầu tư cho quân sự để tăng cường sức mạnh cho quân đội nước này với ngân sách dành cho quốc phòng tăng ở mức hai con số liên tiếp trong gần 2 thập niên qua. Không ít người đã ví sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày nay được ví với sự nổi lên của Mỹ ở cuối thế kỷ XIX và nghi ngờ Bắc Kinh đang tìm cách trở thành một cường quốc chi phối trong khu vực riêng của mình.

Trong sự trỗi dậy đó của Trung Quốc, Nga có vai trò hỗ trợ không hề nhỏ. Nếu Mỹ và châu Âu không cải thiện được mối quan hệ đối thủ với Moskva, Trung Quốc sẽ ngày một mạnh hơn và đứng vào thế đối đầu với Mỹ trong tương lai sớm hơn những gì mà người ta đã dự đoán.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Putin

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Putin

Nền kinh tế Nga đang rơi vào tình thế rất khó khăn và có nguy cơ lâm vào suy thoái do tác động kép từ việc giá dầu giảm mạnh cùng các biện pháp trừng phạt ngày càng siết chặt của phương Tây. Đồng rúp Nga đã mất giá 50%, lượng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi nền kinh tế Nga lên đến 150 tỉ USD. Ngân hàng Thế giới (WB) hiện đang dự báo rằng, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ giảm 2,9% trong năm 2015. Còn Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu thì ước tính nền kinh tế của đất nước Bạch Dương sẽ bị thu hẹp lại khoảng gần 5% trong năm nay.

Khi phải đối mặt với suy thoái và sự cô lập chính trị từ phương Tây, xu hướng chuyển dịch kinh tế từ Tây Âu sang châu Á của Nga là tất yếu. Moskva trong thời gian gần đây đã liên tục ký với Trung Quốc một loạt thỏa thuận bán dầu mỏ và khí đốt trị giá hàng tỉ USD, cùng các khoản vay nợ và tạo dựng các mối quan hệ quân sự mới. Có thể kể đến thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỉ USD mà Moskva và Bắc Kinh đã ký hồi tháng 5-2014 mà theo đó Nga sẽ bán tới 38 tỉ m3 khí/năm cho Trung Quốc; hay một thỏa thuận cung cấp tới 30 tỉ m3 khí đốt/năm nữa qua đường ống Tây Siberia dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm nay. Vào tháng 9-2014, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là Chuck Hagel đã chỉ ra rằng Trung Quốc và Nga đang cùng nhau phát triển những hệ thống vũ khí mới. Trao đổi thương mại của Nga với Trung Quốc theo dự đoán sẽ tăng lên đến 100 tỉ USD trong năm nay từ 90 tỉ USD trong năm 2014.

Hợp tác tình thế

Logic kép của việc xích lại gần nhau giữa Bắc Kinh và Moskva rất đơn giản: Trung Quốc cần tài nguyên, thứ mà Nga rất dồi dào. Nga cần thị trường, đầu tư và ngoại tệ còn Trung Quốc thì có sẵn.

Những lợi ích địa chính trị của hai bên cũng trùng nhau. Trung Quốc không muốn Biển Đông bị người Mỹ chi phối. Thậm chí, Bắc Kinh còn muốn cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục đánh lạc hướng càng lâu càng tốt sự quan tâm của cộng đồng quốc tế ra khỏi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang bị các nước láng giềng và một số cường quốc như Mỹ, Nhật lên án vì hành vi đòi hỏi và củng cố chủ quyền quá đáng. Trong khi đó, Nga không muốn phương Tây - Mỹ và châu Âu - xâm phạm vào những nơi mà Moskva coi là thuộc “tầm ảnh hưởng” của mình. Nói ngắn gọn là cả Nga và Trung Quốc đều không muốn thế giới bị Mỹ thống trị. Điều đó rất rõ ràng.

Thế nhưng, thực tế Trung Quốc và Nga lại cũng là những đối thủ địa chính trị, tranh giành ảnh hưởng ở nhiều khu vực, mà rõ nhất là ở Trung Á và Châu Á - Thái Bình Dương. Trong ngắn hạn, Nga được lợi bằng cách bán dầu mỏ, khí đốt và các tài nguyền thiên nhiên khác cho Trung Quốc. Tuy nhiên, về lâu dài, hậu quả của việc này là sẽ củng cố hơn nữa sự xuất hiện của một Trung Quốc mà dường như là đối thủ định mệnh, cạnh tranh dài hạn với Nga.

Moskva đang giúp Trung Quốc tăng trưởng về mặt kinh tế và trở nên hùng mạnh hơn trong khi bản thân Nga đang trở nên yếu đi. Còn Trung Quốc có phải là người bạn thực sự của Nga hay không thì vẫn là quá sớm để kết luận. Chỉ cần lưu ý rằng, Trung Quốc đến nay vẫn giữ thái độ trung lập trong cuộc khủng hoảng Ukraine và đã ký kết thành công nhiều hợp đồng vốn đã bị bê trễ mấy năm qua với Nga do nhiều bất đồng. Bắc Kinh cũng đã tranh thủ thời gian khó khăn này của Nga để thách thức ảnh hưởng của Moskva tại các nước Trung Á bằng cách tăng cường đầu tư và lập các liên doanh tại khu vực này, thúc đẩy việc xây dựng Vành đại kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI của mình.

Phương Tây phải làm gì?

Có rất nhiều cuộc thảo luận, đặc biệt ở Washington, về “không gian hậu Xôviết” - những nước cộng hòa thành viên Liên Xô cũ (như Ukraine) đã giành được độc lập sau khi toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa châu Âu này sụp đổ vào năm 1990. Nhưng có một điều mà các nhà hoạch định chính sách phương Tây cần phải nhớ rằng, trong không gian hậu Xôviết đó, nước Nga đã và đang là cường quốc chi phối, có quyền lợi đặc biệt, bởi những mối liên hệ lịch sử và văn hóa đặc biệt. Đó là một thực tế rất khó lật ngược cho dù phương Tây có không muốn chấp nhận khi mưu toan “vẽ lại” bản đồ châu Âu, giành giật “miếng mồi” Ukraine, cũng như xâm nhập vào “không gian hậu
Xôviết”.

Do đó, viễn cảnh về sự trỗi dậy không thể nào ngăn cản được của Trung Quốc, cùng những cảnh báo đúng đắn về tình hình ở Ukraine: Những con số thương vong đang tăng lên và một nền kinh tế đang bên bờ sụp đổ, buộc phương Tây phải có những tính toán thận trọng với Nga và không được phép bỏ qua giải pháp ngoại giao, đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trong tương lai xa hơn, Mỹ cần phải tính đến một “thế chân vạc” về quyền lực thế giới với Nga và Trung Quốc. Hầu hết các bộ óc chiến lược của Mỹ đều đồng ý rằng, chính Trung Quốc chứ không phải Nga mới là nước tạo ra thử thách địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XXI đối với Mỹ và Nga sẽ là một đối trọng với một nước Trung Quốc đang trỗi dậy.

Tuy nhiên, chính sách của Mỹ và châu Âu hiện nay lại đang đẩy Nga vào vòng tay Trung Quốc. Do đó, đây là một sai lầm địa chính trị và nếu như mối quan hệ rạn nứt giữa Mỹ và Nga không được hàn gắn thì Trung Quốc sẽ chính là bên thắng cuộc.

Theo Phương Linh (tổng hợp)
PetroTimes