1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ngư ông đắc lợi

(Dân trí) - Những bất ổn tại Ukraine đang vô tình mang lại cho Trung Quốc không gian ngoại giao mới, khi Nga và Mỹ đang mê mải đối đầu nhau. Không chỉ thế, Bắc Kinh còn là bên hưởng lợi nhiều nhất trong mối quan hệ tay ba Mỹ - Trung – Nga hiện nay.

Trung Quốc là nước
duy nhất hưởng lợi từ sự đối đầu Nga – Mỹ hiện nay.

Trung Quốc là nước duy nhất hưởng lợi từ sự đối đầu Nga – Mỹ hiện nay.

Ngay từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, Trung Quốc luôn quán triệt lập trường: “không phản đối Nga, nhưng cũng không ủng hộ phương Tây”. Cũng nhờ chính sách nước đôi này mà không bên nào có thể bắt bẻ được Bắc Kinh, dù là Nga, Mỹ, hay thậm chí Ukraine. Không chỉ thế, Trung Quốc còn nghiễm nhiên trở thành “ngư ông đắc lợi” khi Nga-Mỹ đang bị cuốn vào vòng xoáy đối đầu và tìm mọi cách trừng phạt lẫn nhau.

Cái lợi đầu tiên là Trung Quốc nghiễm nhiên lấy được “cảm tình” của cả Nga và Mỹ.

Với Nga, cảm tình này được thể hiện rất rõ khi đích thân Tổng thống Vladimir Putin công khai bày tỏ biết ơn đối với “sự thấu hiểu” của Trung Quốc và một số nước trong vấn đề Crimea. Trong thông điệp đặc biệt sau khi ký đạo luật chính thức sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, ông chủ điện Kremlin đã không ngần ngại chỉ trích "chính sách hai mặt" của Mỹ và châu Âu trong việc đối đầu với Nga, nhưng bên cạnh đó cũng thẳng thắn cảm ơn những nước đã không phản đối Nga trong việc “thu hồi” lãnh thổ. Quốc gia đầu tiên mà ông Putin muốn gửi lời cảm ơn này chính là Trung Quốc, phần vì Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong phiên họp Hội đồng Bảo an ngay sau khi Crimea đồng ý sáp nhập vào Nga, phần vì Chủ tịch Tập Cận Bình đã "nói riêng" với Putin rằng diễn biến tại Ukraine là “kết quả tất yếu trong sự ngẫu nhiên”.

Với Mỹ, Trung Quốc cũng ghi điểm ngoại giao tương tự khi rất biết cách đưa ra những tuyên bố làm “mát mặt” Washington. Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Hà Lan và cuộc điện đàm sau đó giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama, nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn ủng hộ nguyên tắc duy trì toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Ông cũng không quên nhấn mạnh các bên cần hết sức kiềm chế trước tình hình diễn biến phức tạp tại Ukraine. Quan điểm này của ông Tập tỏ ra rất phù hợp với cách nhìn của Tổng thống Obama trong bối cảnh phương Tây cho rằng nước Nga đang được dẫn dắt bởi cái đầu nóng của ông Putin.      

Cố nhiên, với nghệ thuật ngoại giao khôn khéo và cân bằng như vậy, Trung Quốc đã dễ dàng làm yên lòng cả Mỹ và Nga bằng lập trường trung lập, không nghiêng hẳn về bên nào. Toan tính lớn nhất của Bắc Kinh tại thời điểm này là sẽ sử dụng vị thế trung gian của mình để thực thi chính sách “tái cân bằng quan hệ Nga - Mỹ", qua đó củng cố vai trò trung tâm của Trung Quốc trên bàn cờ địa chính trị thế giới.

Ngoài việc lấy được cảm tình của Nga và Mỹ, cái lợi tiếp theo đối với Bắc Kinh là tạm thời hóa giải phần nào những áp lực từ chiến lược an ninh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Tất nhiên sẽ là ngây thơ khi tin rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ khiến “chú Sam” phải tính toán lại chiến lược xoay trục an ninh vốn đã theo đuổi suốt 2 năm qua, song chí ít nó cũng khiến Washington bị sao nhãng phần nào khi đang tạm thời phải tập trung đối phó với những hành động quyết liệt và mạnh mẽ của Tổng thống Putin ở khu vực không gian hậu Xô Viết.

Cái lợi thứ ba, lớn nhất và cũng thiết thực nhất với Trung Quốc, là chớp được thời cơ mua vũ khí tối tân và dầu mỏ với giá rẻ của Nga. Trong thông báo mới nhất, Nga đã đồng ý bán hệ thống phóng tên lửa hiện đại S-400 cho Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên điện Kremli đồng ý bán hệ thống vũ khí tối tân này ra bên ngoài, đặc biệt lại dành cho một đối thủ tiềm tàng của Mỹ trong tương lai. Không chỉ thế, Chủ tịch công ty dầu khí quốc doanh của Nga Rosneft còn khẳng định sẵn sàng bán cho Trung Quốc khối lượng lớn “vàng đen” với giá cực kỳ hữu nghị.

Trên thực tế, những ưu đãi trên của Mátxcơva không nằm ngoài dự tính trước đó của Bắc Kinh.

Ngay sau khi điện Kremlin xúc tiến các thủ tục pháp lý sáp nhập Crimea, các nhà phân tích chiến lược của Trung Quốc đã nhận định rằng trong thế bị cô lập và bị phương Tây trừng phạt, Nga sẽ phải nhanh chóng tìm lối thoát riêng cho mình. Một trong số đó là mở rộng xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc để giảm bớt những tổn thất mà các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU mang lại. Thứ hai, đẩy mạnh bán các kỹ thuật công nghệ và thiết bị quân sự hiện đại cho Trung Quốc để tạo thêm đối trọng với Washington. Thứ ba, mở cửa nền kinh tế đón các nhà tư bản Trung Quốc khỏa lấp khoảng trống đầu tư tạo ra sau khi các doanh nghiệp phương Tây buộc phải rút đi.

Trước những “món hời” này, Bắc Kinh dù rất muốn nhưng không tỏ ra quá vồ vập, dù các nhà đầu tư đã bắt đầu cảm nhận rất rõ “những luồng gió mới”. Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc còn công khai nhận định: “Trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú của Nga và guồng máy sản xuất khổng lồ của Trung Quốc sẽ là một cặp bài trùng hiếm thấy nhờ sự gần gũi về địa lý”.

Nhưng nhìn thấy cơ hội là một chuyện, còn có nắm bắt hay không lại là chuyện khác. Với chính sách ngoại giao khôn khéo hiện nay, ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục có những bước đi thận trọng để không làm mất lòng bất cứ bên nào.

Theo tính toán của Bắc Kinh, những căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ không thể giải quyết trong nay mai. Bởi, chắc chắn Nga sẽ không thể nhượng bộ Crimea. Phương Tây cũng sẽ không thể dễ ràng “nuốt trôi cục giận” sau khi bị qua mặt. Trong khi đó, căng thẳng ở Ukraine - giữa khu vực phía Đông thân Nga và phía Tây thân châu Âu) - sẽ còn dai dẳng, thậm chí không loại trừ nguy cơ bùng phát. Vì thế, chừng nào căng thẳng còn tiếp tục, Trung Quốc còn có nhiều cơ hội có lợi cho bản thân. Nước này sẽ tiếp tục có thêm không gian và thời gian cho việc triển khai chiến lược “tái cân bằng Nga – Mỹ” và không ngừng nâng cao tiếng nói của mình trong các vấn đề quốc tế quan trọng.

Đức Vũ    

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm