1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ai đã giúp đệ nhất phu nhân Trung Quốc chiến thắng trong "cuộc đấu của các đệ nhất phu nhân"?

Khi những bức ảnh và tin tức truyền hình phát sóng cảnh đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama và đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện - phu nhân Chủ tịch Tập Cận Bình - thăm Bắc Kinh tuần trước, các trang mạng tại Trung Quốc đã nhanh chóng tuyên bố chiến thắng trong "cuộc đấu của các đệ nhất phu nhân".

Ai đã giúp đệ nhất phu nhân Trung Quốc chiến thắng trong cuộc đấu của các đệ nhất phu nhân?

Bộ vest của bà Bành Lệ Viện (phải) được khen ngợi, trong khi trang phục của bà Michelle Obama bị cho là một trong những bộ đồ xấu nhất bà từng mặc trước công chúng.
 
"Đệ nhất phu nhân của chúng tôi rất duyên dáng và thanh lịch, bỏ xa bà Obama phía sau. Lần này chúng tôi đã chiến thắng. Phu nhân của chúng tôi tinh tế và thu hút hơn", nhiều cư dân mạng Trung Quốc viết.

Đã có nhiều ca ngợi dành cho bộ vest có dây đai thắt ngang eo của bà Bành, cùng chiếc áo màu đỏ bên trong hợp tông màu với đôi hoa tai và ví cầm tay. Trong khi đó, trang phục của bà Obama bị coi là một trong những bộ đồ xấu nhất bà từng mặc trước công chúng. Trước đó, cả hai đệ nhất phu nhân đều từng được truyền thông thế giới đánh giá cao về gu thời trang.

Nếu như bà Obama nổi tiếng với các trang phục của các nhà thiết kế Jason Wu, Michael Kors và Ralph Lauren thì bà Bành nổi bật với các sản phẩm của nhà thiết kế Trung Quốc Mã Khắc và nhãn hàng Exception de Mixmind.

Trong nhiều năm, Mã Khắc là một trong những nhà thiết kế tiên phong và thành công nhất Trung Quốc. Cô là nhà thiết kế riêng cho bà Bành từ năm 2003, khi bà là ca sĩ lừng danh, thậm chí còn nổi tiếng hơn cả ông Tập Cận Bình, lúc đó mới là bí thư tỉnh ủy.

Mã Khắc là người thiết kế một số trang phục cho đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện trong các chuyến tháp tùng chồng, thăm chính thức cấp nhà nước tới một số quốc gia trong năm ngoái. Phong cách ăn mặc của đệ nhất phu nhân Trung Quốc lập tức nhận được sự tán thưởng nhiệt thành của công chúng, sau khi bà xuất hiện trước ống kính quốc tế với các bộ trang phục nhã nhặn. Bà Bành nhanh chóng trở thành một biểu tượng thời trang. Tạp chí Vanity Fair thậm chí còn xếp bà vào danh sách những người ăn mặc đẹp nhất thế giới.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi báo chí phương Tây, nhà thiết kế "ẩn dật" Mã Khắc từ chối nói về các trang phục đặc biệt mà cô làm riêng cho bà Bành Lệ Viện, gọi đó là "chủ đề nhạy cảm", song khẳng định chính cô đã thiết kế trang phục cho đệ nhất phu nhân. Mã Khắc từng nói rằng không nên tò mò về việc cô là nhà thiết kế riêng của bà Bành. "Nếu bạn ăn một quả trứng ngon, tại sao lại muốn nhìn con gà mái?", Mã Khắc nói.

Sự nghiệp thiết kế của Mã Khắc bắt đầu với nhãn hiệu hàng may sẵn Exception de MixMind mà cô cùng khởi xướng với người chồng cũ Mao Cát Hồng vào năm 1996. Mao phụ trách phần kinh doanh, còn Mã Khắc phụ trách thiết kế.

Chẳng bao lâu, Exception trở thành một trong những thương hiệu thời trang cao cấp hàng đầu Trung Quốc. Mã Khắc và bà Bành Lệ Viện lần đầu gặp nhau sau một buổi hòa nhạc ở Quảng Châu. Một phóng viên phỏng vấn bà Bành nói rằng có biết Mã Khắc.

Bà Bành đã mặc thiết kế của Mã Khắc trong nhiều năm và yêu cầu giới thiệu cô. Trong một bức thư trả lời phỏng vấn, Mã Khắc mô tả phong cách thời trang của bà Bành là "gọn gàng, đơn giản, thanh lịch, nhưng có điểm nhấn".

Đặc biệt, bà Bành không quan tâm đến phong cách của một đệ nhất phu nhân, mà bà thích hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc hiện đại, có đầu óc độc lập, tình cảm và đầy sức mạnh hơn.

Mã Khắc và chồng gần đây đã ly dị. Sau khi chia tay nhau, chồng cô tiếp tục điều hành thương hiệu Exception, còn Mã Khắc lập thương hiệu thời trang riêng Wuyong. Tất cả các đồ thiết kế của cô đều được làm thủ công, sử dụng chất liệu và nhuộm màu tự nhiên. Cô trung thành với những màu trung tính và màu đất. Công nhân của cô sử dụng kỹ thuật truyền thống như kéo sợi, dệt, thậm chí làm việc trên khung cửi. Kết quả là các sản phẩm làm ra đều đơn giản nhưng mềm mại. "Sản phẩm công nghiệp lớn đã chèn ép sản phẩm thủ công; nhưng nếu tôi không tìm thấy cảm xúc và giá trị tinh thần trong chất liệu, đối với tôi, đó chỉ là chất liệu chết", Mã Khắc nói.
 
Vân Anh