1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ai Cập nêu điều kiện thả siêu tàu sau vụ kênh Suez "thất thủ"

Thành Đạt

(Dân trí) - Giới chức Ai Cập đã nêu điều kiện để thả tàu hàng Ever Given sau vụ kênh đào Suez bị bịt kín gần một tuần.

Kênh đào Suez khai thông sau khi tàu hàng được giải cứu
Ai Cập nêu điều kiện thả siêu tàu sau vụ kênh Suez thất thủ - 1

Tàu vận tải Ever Given mắc kẹt ở kênh Suez hồi tháng 3 (Ảnh: Maxar)

Trong cuộc phỏng vấn với truyền hình Ai Cập ngày 8/3, giám đốc Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie tuyên bố Ai Cập chỉ thả tàu hàng Ever Given sau khi đạt được thỏa thuận bồi thường cho những thiệt hại mà tàu này gây ra trong gần một tuần mắc kẹt tại kênh đào Suez.

"Con tàu đã sẵn sàng rời đi. Ngay sau khi chúng tôi đồng ý về việc bồi thường, con tàu sẽ khởi hành và mọi vấn đề cũng kết thúc", ông Osama Rabie cho biết.

Tàu hàng Ever Given chắn kênh đào Suez trong 6 ngày, làm chao đảo thị trường toàn cầu và khiến SCA mất khoảng 15 triệu USD doanh thu mỗi ngày. Đây là nguồn thu từ phí thông quan tàu hàng qua kênh đào Suez.

Ông Rabie cho biết Ai Cập muốn nhận bồi thường cho những thiệt hại cũng như chi phí giải cứu con tàu.

Tàu Ever Given thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản Shoei Kisen Kaisha và được vận hành bởi công ty Ever Green có trụ sở tại Đài Loan. Con tàu với chiều dài khoảng 400 mét, trọng lượng khoảng 224.000 tấn bất ngờ mất kiểm soát và chắn ngang kênh Suez vào sáng 23/3.

Sự cố khiến hàng trăm tàu bị nghẽn ở cửa ngõ Suez, làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa toàn cầu. Tàu Ever Given hiện neo đậu tại kênh Great Bitter để tiến hành điều tra.

Ông Rabie hồi tháng trước cho biết Ai Cập sẽ tính toán tất cả ngân sách mà nước này đã chi kể từ ngày đầu tiên của sự cố, bao gồm chi phí thuê tàu kéo, tàu nạo vét làm việc ngày đêm để giải cứu siêu tàu Ever Given. Quan chức Ai Cập cho biết số tiền này "tương đối lớn, khoảng 1 tỷ USD".

Kênh Suez là tuyến vận tải hàng hóa quan trọng bậc nhất đối với thương mại toàn cầu, nơi mỗi ngày có khoảng 10 tỷ USD hàng hóa trung chuyển.

Giới quan sát nhận định cuộc chiến pháp lý liên quan đến bồi thường thiệt hại do sự cố kênh Suez tê liệt sẽ còn kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Phía Ai Cập cho rằng gió mạnh có thể không phải nguyên nhân chính gây ra sự cố "bít" kênh Suez, mà có thể là do lỗi con người.