Ai Cập mất 1 tỷ USD giải cứu siêu tàu mắc kẹt trên kênh Suez
(Dân trí) - Sự cố tàu container Ever Given mắc cạn, chắn ngang kênh đào Suez đã gây thiệt hại lớn cho Ai Cập cũng như thương mại toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Sada el-Balad hôm 31/3, người đứng đầu Cơ quan Quản lý kênh Suez (Ai Cập) Osama Rabie cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tính toán tất cả ngân sách mà chúng tôi đã sử dụng kể từ ngày đầu tiên của sự cố, chi phí thuê tàu kéo, tàu nạo vét làm việc ngày đêm. Con số tương đối lớn, 1 tỷ USD hoặc khoảng tầm đó".
Trước đó, ông Rabie nói rằng, việc kênh đào Suez bị tê liệt khiến chính phủ Ai Cập thiệt hại khoảng 14 triệu USD/ngày - nguồn thu từ phí thông quan tàu hàng qua Suez.
Kênh Suez, tuyến vận tải hàng hóa quan trọng bậc nhất đối với thương mại toàn cầu, nơi mỗi ngày có khoảng 10 tỷ USD hàng hóa trung chuyển, buộc phải đóng cửa gần một tuần sau khi siêu tàu container Ever Given mắc cạn, bít lối ra vào kênh.
Tàu Ever Given (thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản và do một công ty ở Đài Loan vận hành) có chiều dài khoảng 400m, trọng lượng khoảng 224.000 tấn. Con tàu bất ngờ mất lái và chắn ngang kênh Suez vì gió mạnh. Giới chức Ai Cập đã lập tức triển khai một chiến dịch giải cứu con tàu, giải cứu kênh đào Suez. Các tàu kéo siêu trọng, tàu nạo vét, máy xúc được huy động, tận dụng thủy triều lên để dịch chuyển mũi tàu. Chiến dịch giải cứu thành công hôm 29/3, nhưng thách thức chưa dừng lại ở đó. Giới chức Ai Cập nhanh chóng nối lại hoạt động của kênh Suez, phân luồng để giảm tải ách tắc khi hơn 400 tàu hàng chờ ở cửa ngõ Suez nhiều ngày qua.
Giới quan sát nhận định, cuộc chiến pháp lý liên quan đến bồi thường thiệt hại do sự cố kênh Suez tê liệt sẽ còn kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Giới chức Ai Cập cho rằng, gió mạnh có thể không phải nguyên nhân chính gây ra sự cố "bít" kênh Suez, mà có thể là do lỗi con người. Ông Rabie cho biết, hiện thủy thủ đoàn Ever Given chưa bàn giao hộp đen và dữ liệu hành trình để phục vụ công tác điều tra.