1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Ấn Độ - Pakistan
  3. Mỹ hoãn áp thuế trong 90 ngày
  4. Mỹ thúc đẩy đàm phán về xung đột Ukraine

"Ác điểu" MQ-9 của Mỹ sắp hết thời sau nhiều năm tung hoành?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Từng là nỗi ám ảnh trên không trung với nhiều lực lượng đối lập với Mỹ, nhưng UAV MQ-9 giờ đây đã trở nên rất dễ tổn thương trên chiến trường.

Ác điểu MQ-9 của Mỹ sắp hết thời sau nhiều năm tung hoành? - 1

UAV MQ-9 Reaper (Ảnh: Quân đội Mỹ).

Trong cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông, MQ-9 Reaper từng là vũ khí gieo rắc nỗi kinh hoàng. Được trang bị tên lửa và có khả năng hoạt động liên tục suốt 24 giờ, Reaper, cùng với "người anh em" đời trước MQ-1 Predator, đã trở thành biểu tượng cho thời đại tác chiến điều khiển từ xa bằng máy bay không người lái (UAV).

Thế nhưng, bầu trời hiện nay không còn thân thiện với Reaper nữa.

Chiếc Reaper do General Atomics chế tạo có sải cánh dài tới 20m. Với giá thành 30 triệu USD mỗi chiếc, nhiều UAV cỡ lớn và đắt đỏ như Reaper đã bị bắn hạ ở Yemen, Li Băng trong thời gian qua. 

Điều này khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu các quân đội có nên tiếp tục đầu tư vào các dòng UAV tầm trung, bay cao và thời gian bay dài (MALE) như Reaper, hay nên chuyển sang mua các loại UAV nhỏ hơn, rẻ hơn, có thể hy sinh mà không đáng tiếc?

"UAV MALE có thể cung cấp năng lực giám sát liên tục, kể cả trong điều kiện mây che phủ nhờ radar khẩu độ tổng hợp (SAR), nhưng điều đó chỉ làm được khi chúng có thể sống sót", nhà nghiên cứu quân sự Robert Tollast viết trong một bài phân tích cho Viện Dịch vụ Hoàng gia Liên hiệp Anh (RUSI).

Từ tháng 10/2023, nhóm vũ trang Houthi ở Yemen đã bắn hạ ít nhất 15 chiếc Reaper, trong đó 7 chiếc bị rơi chỉ riêng trong tháng 3 và 4 năm 2025, với thiệt hại ước tính vượt quá 500 triệu USD.

Houthi chỉ là một lực lượng quân sự phi nhà nước với hệ thống phòng thủ tương đối chắp vá. Các hệ thống phòng không của Houthi chủ yếu là tên lửa SA-2 và SA-6 thời Liên Xô từ thập niên 1960, hoặc bản sao của Iran dựa trên các thiết kế cũ.

Đáng lo hơn, nếu đối đầu với một lực lượng hiện đại hơn, có hệ thống phòng không quy mô và chính xác, mối đe dọa đối với Reaper sẽ còn lớn hơn nhiều.

Tại Ukraine, các UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, từng gây thiệt hại cho các đoàn xe bọc thép Nga hồi đầu cuộc chiến, cũng nhanh chóng bị loại khỏi bầu trời khi Moscow triển khai hệ thống phòng không và tác chiến điện tử. Trong khi đó, UAV Hermes của Israel đã trở thành nạn nhân của tên lửa phòng không Hezbollah.

Bài toán khó với UAV cỡ lớn

Điều này cho thấy một thực tế, dòng UAV MALE quá đắt tiền để sản xuất đại trà và quá dễ bị tổn thương để sử dụng thoải mái trên chiến trường.

Đây cũng là vấn đề mà Reaper (30 triệu USD) và Bayraktar TB2 (5 triệu USD) đang đối mặt. "Các đánh giá từ chiến trường Ukraine cho thấy UAV chỉ được coi là "sẵn sàng để bị mất khi tham chiến" nếu giá dưới 200.000 USD", ông Tollast viết.

Tình thế này tạo ra một bài toán chi phí và hiệu quả. Các UAV nhỏ, rẻ tiền, điều khiển bằng góc nhìn người thứ nhất (FPV) đang trở thành vũ khí thống trị tại Ukraine, khiến các cuộc tấn công lớn tê liệt và buộc xe bọc thép phải rút khỏi tiền tuyến.

Đây là các UAV thương mại được cải tiến để mang theo chất nổ, với chi phí chỉ vài trăm USD mỗi chiếc. Tuy nhiên, chúng có giới hạn về tầm bay, tải trọng và độ cao, thường không vượt quá 15km.

Ở chiều ngược lại là RQ-4 Global Hawk, UAV cỡ máy bay chở khách, giá tới 200 triệu USD, nhưng đang bị Mỹ loại biên. Một chiếc đã bị Iran bắn rơi năm 2019.

Nằm ở giữa là các UAV như Reaper, có khả năng mang 2 tấn vũ khí và thiết bị cảm biến, tầm hoạt động 1.900km và bay ở độ cao 15.000m.

Trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, Reaper cực kỳ hữu dụng vì có thể săn mục tiêu trong thời gian dài mà không cần lo rủi ro về phi công. Ví dụ, từ tháng 9/2007 đến tháng 7/2008, MQ-9 đã thực hiện 480 phi vụ, tổng cộng hơn 3.800 giờ bay tại Afghanistan.

Nhưng hiện tại, vấn đề lớn nhất của các UAV cỡ lớn là: Ngày càng nhiều đối thủ sở hữu tên lửa phòng không đủ sức hạ gục chúng.

Các UAV như MQ-9 không được thiết kế để hoạt động trong vùng có hệ thống tên lửa đất đối không. Bayraktar có tốc độ hành trình chỉ 130km/h, còn Reaper là khoảng 320km/h, chậm hơn rất nhiều so với tên lửa phòng không. Ngay cả nhóm vũ trang như Houthi cũng có thể bắn hạ Reaper bằng tên lửa SA-6 cũ kỹ.

Điều đó đặt Mỹ vào ngã ba đường: Hoặc là chuyển sang loại rẻ, sản xuất hàng loạt và chấp nhận tổn thất; hoặc là phát triển UAV tối tân hơn, đắt đỏ hơn nhưng ít và mạnh hơn.

Mỹ có thể sẽ chọn hướng sau: Sản xuất một loại UAV thay thế Reaper với công nghệ tàng hình nhằm né tránh radar, vũ khí chính của phòng không hiện đại.

Nếu không có đột phá công nghệ để UAV nhỏ có được khả năng như UAV lớn, thì việc UAV cỡ lớn dần mất tác dụng sẽ khiến phương Tây đánh mất lợi thế về khả năng quan sát chiến trường, một trong những ưu thế cốt lõi của quân đội Mỹ và đồng minh.

Theo BI