1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

A330-200: Máy bay siêu hiện đại và siêu an toàn

(Dân trí) - Máy bay A330-200 biến mất đầy bí ẩn trên Đại Tây Dương được cho là loại máy bay siêu hiện đại và siêu an toàn. A330-200 được đưa vào sử dụng năm 1995 và là thành viên mới nhất trong đại gia đình máy bay hai động cơ của nhà sản xuất châu Âu Airbus.



A330-200:  Máy bay siêu hiện đại và siêu an toàn - 1
A330-200 được đánh giá là loại máy bay siêu hiện đại, siêu an toàn.
 
Với khả năng bay xa tới 12.500km và chở 253 hành khách, A330-200 được coi là loại máy bay lý tưởng cho những chặng đường tầm trung hoặc đường trường.

 

Hiện nay có 600 máy bay A330-200 đang phục vụ ở 82 hãng hàng không trên khắp thế giới, trong đó có hãng hàng không Air France của Pháp. Airbus còn có hợp đồng làm hơn 300 chiếc máy bay loại này nữa.

 

Theo chuyên gia hàng không Kieran Daly, A330-200 “chắc chắn, siêu hiện đại và có kỹ thuật tinh vi”, với chỉ số an toàn hoàn hảo.

 

Ông cho biết chỉ có duy nhất một lần chiếc máy bay loại này thông báo gặp tai nạn. “Vụ việc xảy ra vào năm 1994, trước khi máy bay được đưa vào sử dụng”, ông nói. “Khi đó nó đang bay thử nghiệm và các phi công đã làm một vài màn biểu diễn trước khi hạ cánh. Vì vậy mà có tai nạn, nhưng không phải là do bản thân chiếc máy bay”.

 

“Nó được thiết kế hoàn hảo và được trang bị tối tân, với động cơ CF-6 cũng hiện đại và tin cậy”.

 

Hãng hàng không Air France cho biết chiếc máy bay mang số hiệu AF 447 đã gửi tín hiệu tự động thông báo lỗi về điện trong khi bay qua vùng bão sét rất sớm trong hành trình dự kiến kéo dài 11 tiếng từ Rio de Janeiro tới sân bay Charles de Gaulle ở Paris.

 

Tuy nhiên, Daly cho biết, điều kiện thời tiết phải đặc biệt kinh khủng mới gây hỏng hóc nghiêm trọng đối với một chiếc máy bay tầm cỡ như A330-200.
 
 
A330-200:  Máy bay siêu hiện đại và siêu an toàn - 2
Bên trong một chiếc A330-200.
 

“Những chiếc máy bay loại này đặc biệt vững chãi và thường được dùng trong các chặng đường xuyên Đại Tây Dương và xuyên châu Á”, ông nói.

 

“Chúng được trang bị một loạt thiết bị liên lạc tinh vi, vì vậy chắc phải có điều gì đột ngột xảy ra, mới khiến máy bay mất liên lạc”.

 

Cũng có giả thuyết cho rằng chiếc máy bay hướng tới Paris bị sét đánh. Nhưng cựu phi công của Airbus John Wiley nhận định, sét không thể “đánh gục” một chiếc máy bay hiện đại được.

 

Theo Air France, cơ trưởng của AF 447 đã có bề dày kinh nghiệm bay 11.000 giờ trong đó có 1.700 giờ với máy bay A330/A340 của Airbus. Trong hai cơ phó, một người đã bay 3.000 giờ (trong đó có 800 giờ với A330/A340), còn người kia bay 6.600 giờ (trong đó 2.600 giờ với A330/A340).

 

Bản thân chiếc máy bay gặp nạn đã bay tổng cộng 18.870 giờ từ khi được đưa vào sử dụng ngày 18/4/2005. Lần kiểm tra bảo dưỡng cuối cùng của máy bay diễn ra vào ngày 16/4/2009.

 

Trong khi đó, loại máy bay lớn hơn A330-300 của Airbus được đưa vào sử dụng năm 1993 và có sức chứa tới 335 hành khách. Loại máy bay này cũng có “lịch sử” an toàn ấn tượng, chỉ có vài vụ tai nạn xảy ra trong suốt 10 năm qua.

 

Tháng 8/2001, một máy bay của hãng hàng không của Canada đã bị hỏng động cơ khi bay tới Bồ Đào Nha. Điều kỳ diệu là phi công vẫn có thể thực hiện hạ cánh khẩn cấp ở Azores bằng cách trượt chiếc máy bay đã “bất lực” trong suốt 18 phút.

 

Năm ngoái, một chiếc A330-303 đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Australia khi 74 hành khách bị thương do thay đổi độ cao đột ngột. Chuyến bay mang số hiệu 72 của hãng Qantas khi đó đang bay từ Singapore tới Perth, thành phố miền đông Australia. Hiện nguyên nhân của sự thay đổi độ cao đột ngột trên vẫn đang được điều tra.

 

Phan Anh

Theo AP

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm