1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ả-rập Xê-út chính thức gia nhập BRICS

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông nhà nước Ả-rập Xê-út thông báo quốc gia Trung Đông chính thức gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).

Ả-rập Xê-út chính thức gia nhập BRICS - 1

Quốc kỳ của 5 nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (Ảnh: Reuters).

Kênh truyền hình nhà nước của Ả-rập Xê-út ngày 2/1 cho biết vương quốc này đã chính thức gia nhập khối các nước BRICS.

Bộ trưởng Ngoại giao Ả-rập Xê-út Faisal bin Farhan hồi tháng 8 cho biết quốc gia Trung Đông sẽ nghiên cứu các chi tiết trước ngày gia nhập được đề xuất vào ngày 1/1 và đưa ra "quyết định phù hợp".

Ông Farhan từng nhận định nhóm BRICS là "một kênh có lợi và quan trọng" để tăng cường hợp tác kinh tế.

Khối BRICS trước đây bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, nhưng dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô trong thời gian tới. Ngoài Ả-rập Xê-út, BRICS có kế hoạch kết nạp thêm Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Ai Cập, Iran và Ethiopia.

Việc Ả-rập Xê-út gia nhập BRICS diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng. Bắc Kinh được xem cũng đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông nói chung.

Dù có mối quan hệ bền chặt với Mỹ, Ả-rập Xê-út vẫn theo đuổi con đường riêng của mình vì lo ngại rằng Washington ít cam kết với an ninh vùng Vịnh hơn trước đây.

Trung Quốc, khách hàng dầu lớn nhất của Ả-rập Xê-út, đã đưa ra lời kêu gọi BRICS mở rộng để trở thành đối trọng với phương Tây. Bất chấp Argentina đã phát đi tín hiệu không gia nhập BRICS, việc khối này mở rộng được xem sẽ giúp các nền kinh tế mới nổi cạnh tranh tầm ảnh hưởng với phương Tây. 

Trước khi Ả-rập Xê-út gia nhập, 5 nước BRICS có tổng diện tích hơn 39,7 triệu km2 và tổng dân số 3,21 tỷ người, tương đương hơn 26,6% diện tích đất liền toàn cầu và 41,53% dân số thế giới.

Điểm chung của BRICS là họ là các quốc gia có dân số đông, diện tích rộng, tiềm lực quân sự lớn. Họ cũng là các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực mạnh, khi tổng GDP của các thành viên liên tục tăng trưởng ổn định trong hàng chục năm qua và dự kiến sẽ tăng mạnh trong nhiều năm tới.

Theo Reuters