7 sự kiện đầu năm tác động đến địa chính trị châu Á
Theo The Diplomat, đó là những sự kiện như cuộc bầu cử ở Đài Loan (Trung Quốc), việc Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á đi vào hoạt động, Đại hội Đảng lần thứ XII tại Việt Nam...
Ảnh chụp Đông Nam Á từ vũ trụ. (Nguồn: Shutterstock)
Cuộc bầu cử ở Đài Loan (Trung Quốc)
Công dân Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tiến hành bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 16/1 tới. Các kết quả thăm dò sơ bộ cho thấy, Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) đang có nhiều khả năng chiến thắng với ứng cử viên Thái Anh Văn. Điều này có nghĩa là Quốc dân Đảng sẽ không còn cầm quyền ở Đài Loan (Trung Quốc).
Nếu kịch bản này diễn ra, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ có nữ lãnh đạo đầu tiên, người có thể sẽ đưa ra một số thay đổi trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Hoa đại lục. Nhiệm kỳ gần nhất của Quốc dân Đảng gây ra nhiều tranh cãi khi có sự xích lại gần hơn với Bắc Kinh. Cho dù DPP và bà Thái nói rằng họ sẽ tránh va chạm với Trung Quốc nếu chiến thắng, Bắc Kinh vẫn còn khá cảnh giác.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) đi vào hoạt động
AIIB do Trung Quốc dẫn dắt đã tiến một bước dài trong việc hiện thực hóa hoạt động, khi 17 nước thành viên sáng lập phê chuẩn Điều lệ hoạt động của ngân hàng cuối năm 2015. Vào tháng 1 này, cuộc họp khai mạc của Ban Thống đốc ngân hàng sẽ diễn ra. Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy, ngân hàng này sẽ sớm được mở cửa.
AIIB là minh chứng điển hình và quan trọng cho tham vọng lãnh đạo trong sân chơi đa phương của Bắc Kinh, mang lại một tầm nhìn khác về sự phát triển và quản trị toàn cầu so với các thể chế của phương Tây như Quỹ Tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng Thế giới.
Đại hội Đảng ở Việt Nam
Vào đầu tháng 1/2016, Việt Nam tổ chức Đại hội Toàn quốc của Đảng...Hà Nội hiện là một nhân tố quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời là một bên có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông - nơi Trung Quốc đang có xung đột với các bên liên quan... Đây là sự kiện đáng được theo dõi vào đầu năm 2016.
Thỏa thuận giữa Nhật Bản và Hàn Quốc
Một trong những tin tức bất ngờ vào cuối năm 2015 là tuyên bố đạt được thỏa thuận lịch sử vào ngày 28/12 giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề "phụ nữ mua vui" thời Thế chiến II. Đây là vấn đề lâu nay gây ra sự chia rẽ giữa Seoul và Tokyo, cho dù cả hai đều là đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á.
Nhưng dù Ngoại trưởng hai nước tuyên bố vấn đề đã được giải quyết xong và không thể đảo ngược, thì vẫn còn những khó khăn trong việc thực hiện thỏa thuận. Đầu tiên, những nạn nhân còn sống của Hàn Quốc đã lên tiếng bác bỏ thỏa thuận này. Thứ hai, Tokyo cho biết chỉ bồi thường cho các nạn nhân, nếu phía Seoul dỡ bỏ bức tượng miêu tả sự khốn khổ của những “người phụ nữ mua vui” đặt gần Đại sứ quán Nhật Bản ở Hàn Quốc. Những tháng đầu năm 2016 hứa hẹn sẽ còn nhiều tranh cãi xung quanh thỏa thuận bước ngoặt này.
Hòa đàm giữa Ấn Độ và Pakistan
Chuyến dừng chân đầy bất ngờ tại tỉnh Lahore (Pakistan) vào dịp Giáng sinh vừa qua của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là dịp ông đến thăm người đồng cấp Pakistan Nawaz Sharif và mang đến thông điệp rằng, các cuộc đàm phán hòa bình sâu rộng giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ được thực hiện trong năm 2016.
Năm 2015 chứng kiến rất nhiều lần hoãn lại các cuộc hòa đàm theo kế hoạch đã định giữa hai quốc gia này, nhưng trong những tuần cuối của năm thì mọi việc có vẻ suôn sẻ hơn. New Delhi và Islamabad đang lên kế hoạch tổ chức cuộc đối thoại toàn diện của Bí thư đối ngoại hai bên vào giữa tháng 1 để tiến tới nối lại đối thoại hòa bình.
Kết quả của cuộc đối thoại này có thể mang lại một diện mạo mới cho mối quan hệ giữa hai “người khổng lồ” ở Nam Á trong năm 2016.
Đối thoại hòa bình giữa Afghanistan và Taliban
Afghanistan và Pakistan cũng đã có sự xích lại gần nhau, tuy rằng vẫn còn khá thận trọng, vào cuối năm 2015. Với sự tán thành của Islamabad, các cuộc đối thoại hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban có thể được nối lại vào đầu năm 2016.
Thành công hay thất bại của các cuộc đàm phán này phụ thuộc vào cuộc chiến chống phiến quân của Afghanistan. Hiện Taliban đang giành được nhiều lãnh thổ hơn bất cứ thời kỳ nào, kể từ khi quân Mỹ tiến vào Afghanistan năm 2001.
Khối liên minh kinh tế thống nhất ở Đông Nam Á
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã công bố sự ra đời của Cộng đồng ASEAN với ba trụ cột chính là Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng Văn hóa – Xã hội và Cộng đồng Chính trị - An ninh. Sáng kiến này nhằm mang đến sự kết nối, thịnh vượng, phát triển thương mại và ổn định cho 10 quốc gia thành viên với hơn 600 triệu dân.
Nếu mô hình này bước đầu đạt được thành công, 2016 sẽ là năm mà thế giới chứng kiến một khối liên minh kinh tế Đông Nam Á thống nhất - một sự phát triển mà chắc chắn sẽ làm thay đổi cách các nhà quan sát nghĩ về bức tranh kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Minh Tuấn/The Diplomat)
Thế giới và Việt Nam