65 năm Chiến thắng phát xít nhìn lại
(Dân trí) - Các dân tộc yêu chuộng hòa bình đang hướng tới kỷ niệm 65 năm Chiến thắng chống phát xít - biểu tượng chính yếu, nền tảng của bản sắc dân tộc Nga và là chiến thắng của nhiều dân tộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít - kẻ thù chung của loài người.
Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại
Các xe tăng của Đức trước khi tấn công vào Nga
Quân Đức Quốc xã tiến vào Liên Xô tháng 6/1941
Cuộc chiến chính thức kết thúc ngày 9/5/1945, khi đại diện Đức Quốc Xã ký kết biên bản đầu hàng vô điều kiện quân đội Xô Viết và các lực lượng của Liên minh chống Phát xít sau khi Quân đội Xô Viết đánh chiếm thủ đô Berlin của Đức.
Sau chiến tranh, Liên Xô trở thành một trong hai siêu cường thế giới, nước Đức bị phân đôi thành Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức.
Ở Nga, 65 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ II sẽ được kỷ niệm vào ngày 9/5. Còn ở châu Âu, sự kiện này luôn được tổ chức vào ngày 8/5. Lý do là đầu tiên, Biên bản đầu hàng của Đức quốc xã được ký kết tại Reims (Pháp) vào ngày 7/5/1945. Người dân châu Âu và Mỹ ăn mừng chiến thắng ngày 8/5 vì họ coi đây là mốc kết thúc chiến tranh. Nhưng ở Nga chỉ biết về sự kiện này vào ngày 9/5, sau khi buổi ký biên bản đầu hàng thứ hai diễn ra tại thị trấn Karlshorst ngoại vi Berlin (Đức).
“Thế giới phải biết sự thật”
“Thế giới phải biết toàn bộ sự thật về Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và vai trò của quân đội Liên Xô trong việc giải phóng châu Âu khỏi ách xâm lược Đức Quốc xã”, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh trong tuyên bố với báo giới trước kỷ niệm Ngày Chiến thắng.
Đại Nguyên soái Joseph V. Stalin, người lãnh đạo Cuộc chiến tranh Vệ Quốc Vĩ đại
Ông cho rằng chống lại việc xuyên tạc các sự kiện lịch sử của nhiều thập kỷ trước đây là nhiệm vụ đã nảy sinh do xuất hiện những tham vọng của một số chính trị gia Đông Âu, tìm cách diễn giải lịch sử theo cách phục vụ cho các lợi ích nhất thời của chính họ. Không hiếm khi, những động thái ấy đã dẫn tới việc trực tiếp minh oan cho các tội phạm Quốc xã, đánh đồng vai trò của quân đội Xô viết ngang hàng với bọn phát xít Đức xâm lược.
Nói tới vai trò của quân đội Xô viết, thì một sự thật rõ ràng là 70% tổn thất của lực lượng Hitler chính là ở mặt trận phía Đông. Ông Dmitry Medvedev nhấn mạnh: “Nếu không có vai trò của Hồng quân, không có những hy sinh lớn lao của nhân dân Xô viết trong chiến tranh thì châu Âu ngày nay đã hoàn toàn khác. Sẽ không có một châu Âu hiện đại, thịnh vượng, phồn vinh và phát triển”.
Trong Chiến tranh Thế giới II, chiến thắng lịch sử này đã có được bởi nỗ lực anh hùng của những binh sĩ dũng cảm ngoài chiến trường và những người lao động quên mình ở hậu phương. Đó là chiến thắng của nhiều dân tộc, đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít— kẻ thù chung đe dọa sự sống còn của toàn thể loài người.
Cảnh bên ngoài Quốc hội Đức tháng 6/1945, khi quân Đức Quốc xã thừa nhận thất trận
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng chống phát xít, ở Nga sẽ công bố con số chính thức về những tổn thất của lực lượng vũ trang Liên Xô trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ II. Giới chuyên viên cho rằng, con số tổng kết không khác nhiều với dữ liệu cũ mà Ủy ban đặc biệt thuộc Bộ Tổng Tham mưu đã công bố vào cuối thập niên 80 - tức là khoảng 8,8-8,9 triệu người, kể cả các tù binh.
Bước tiến tới tương lai
Lãnh đạo hàng chục nước sẽ tham dự buổi lễ trọng thể kỷ niệm 65 năm Chiến thắng chống phát xít được tổ chức ngày 9/5 ở Mátxcơva, trong đó có Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết, các nhà lãnh đạo Đức, Italy, Pháp, Czech. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh Gordon Brown lấy làm tiếc vì không thể đến Mátxcơva vì lý do xác đáng. Đối với Mỹ, Nga cũng như nhiều nước khác, ngày này đánh dấu chiến thắng quan trọng trước chủ nghĩa phát xít.
Ngày 9/5, duyệt binh mừng chiến thắng không chỉ diễn ra trên quảng trường Đỏ mà còn ở 72 thành phố của Nga và cả ở Ukraine
Hoạt động trọng tâm của chương trình kỷ niệm 65 năm Chiến thắng là cuộc duyệt binh trên quảng trường Đỏ. Mười nghìn quân nhân cùng các trang thiết bị quân sự và máy bay sẽ tham gia cuộc diễu binh hùng tráng. Đều bước trên nền đá lát Hồng trường sẽ có không chỉ binh lính và sĩ quan của quân đội Nga mà còn các đơn vị quân đội nước ngoài, đại diện các quốc gia thành viên Liên minh chống phát xít: Tiểu đoàn của trung đoàn cận vệ Wales của Anh; phi đội lừng danh Normandie-Nieman của Pháp từng dự cuộc chiến đấu trong thành phần Hồng quân; tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn bộ binh số 18 của Mỹ, đơn vị đổ bộ đầu tiên ở Normandie. Đội cận vệ danh dự của quân đội Balan, những người lính của đơn vị này cũng đã tích cực tham gia chiến đấu chống phát xít. Ngoài ra, còn các tiểu đoàn tổ hợp của quân đội các nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG) là Azerbaidjan, Armenia, Belarus, Ukraine.
Việc các quốc gia thành viên Liên minh chống phát xít đều tham gia cuộc duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng cho thấy rằng chính quyền hiện nay của các nước đó đều coi trọng kết quả cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ II. Đó còn là một bước tiến tới tương lai, cho phép quên đi thời “chiến tranh lạnh”, để các thế hệ các sĩ quan mới sẽ không bao giờ còn phải nhìn nhau qua họng súng.
Ngày 9/5, cuộc duyệt binh mừng chiến thắng sẽ được tổ chức không chỉ trên quảng trường Đỏ của Mátxcơva mà còn ở 72 thành phố trong Liên bang Nga, cũng như ở thành phố cảng Sevastopol của Ukraine.