5 yếu tố chi phối cuộc bầu cử tổng thống khó đoán nhất lịch sử Mỹ
(Dân trí) - Bầu cử tổng thống Mỹ năm nay được đánh giá là một trong những cuộc bầu cử khó đoán nhất trong lịch sử nước này do tác động đáng kể của đại dịch Covid-19.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn hơn 50 ngày là tới ngày bỏ phiếu chính thức. Ứng viên của đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đang dốc sức cho chặng đua cuối bằng những lời công kích lẫn nhau và tích cực vận động tại các bang chiến trường.
Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi đáng kể cách thức vận động tranh cử của các ứng viên khi các sự kiện tiếp xúc trực tiếp với cử tri bị hạn chế. Giới quan sát đã chỉ ra hàng loạt yếu tố có thể quyết định cục diện cuộc bầu cử tổng thống năm nay - cuộc bầu cử được đánh giá là khó đoán nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Vắc xin ngừa Covid-19
Tổng thống Donald Trump nói rằng, Mỹ sẽ sớm có vắc xin Covid-19, có thể trước bầu cử tổng thống vào tháng 11 mặc dù các chuyên gia dự đoán phải chờ ít nhất đến đầu năm sau. Nhiều người lo ngại rằng, để tạo “bất ngờ tháng 10” cho chiến dịch tái tranh cử của mình, ông Trump có thể gây sức ép buộc Cơ quan Quản lý Thực và Dược Mỹ nhanh chóng phê chuẩn vắc xin Covid-19 trong bối cảnh hơn 6 triệu người Mỹ mắc bệnh, trong đó hơn 190.000 người đã tử vong.
Vắc xin Covid-19 cũng đang là một trong những chủ đề “khẩu chiến” giữa hai ứng viên tổng thống. Ông Biden cáo buộc chủ nhân Nhà Trắng “chính trị hóa” vắc xin Covid-19 bất chấp điều đó đi ngược lại những khuyến cáo của giới khoa học.
Tuy nhiên, CNN nhận định, ngay cả khi Mỹ có vắc xin Covid-19 trước bầu cử, điều đó cũng chưa chắc chắn tăng cơ hội tái đắc cử của ông Trump. Theo khảo sát của CBS, chỉ 21% người Mỹ sẵn sàng tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 nếu vắc xin này ra mắt trước bầu cử, tỷ lệ này giảm so với 32% trong tháng 7. Trong khi đó, hầu hết người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ chờ người khác tiêm trước trước khi quyết định có tiêm hay không.
“Luật pháp và trật tự”
Bất cứ ai theo dõi đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa cuối tháng trước đều nhận ra rằng thông điệp chính mà ông Trump đưa ra cho chiến dịch tranh cử của mình là "luật pháp và trật tự" giữa lúc làn sóng biểu tình sắc tộc rúng động nước Mỹ.
Tuy nhiên, một khảo sát của Fox News ở “điểm nóng” Wisconsin cho thấy, đa số cử tri ở đây tin ông Biden sẽ xử lý tình trạng bất ổn tốt hơn ông Trump. "Cử tri vùng ngoại ô muốn an toàn công cộng hơn là luật pháp và trật trự. Họ muốn các con phố an toàn hơn là kiểm soát nó”, Frank Luntz, nhà thăm dò ý kiến và cố vấn cho đảng Cộng hòa, nhận định.
Trong khi đó, Robert Tatterson, thư ký Đảng Dân chủ ở hạt Ozaukee, ngoại ô Milwaukee, cho rằng nếu tình trạng bất ổn tiếp diễn, cử tri có thể sẽ coi ông Trump là người duy nhất có thể cứu vãn tình hình. Ông Trump nhiều lần tuyên bố triển khai quân đội tới các điểm nóng bùng phát bạo lực, đồng thời cảnh báo cắt ngân sách liên bang cho các thành phố bị coi là “vô pháp”.
Lo ngại can thiệp bầu cử
Giới chức Mỹ từ lâu cáo buộc Nga và một số nước khác tìm cách can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ. Bộ An ninh Nội địa Mỹ mới đây đã lưu hành một văn bản nói rằng: "Chúng tôi đánh giá Nga có thể tiếp tục tìm cách khuyến khích những chỉ trích đối với hình thức bỏ phiếu qua thư và làm thay đổi các quy trình bầu cử giữa đại dịch Covid-19 để làm dao động lòng tin của cử tri Mỹ vào hệ thống bầu cử". Thượng nghị sĩ Kamala Harris, ứng viên phó tổng thống liên danh tranh cử với ông Biden, cuối tuần qua cũng nhận định: "Tôi tin sẽ có sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử năm 2020".
Chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ đang cho thấy sự hỗn loạn khi một tổng thống liên tục đưa ra nghi vấn về thao túng bầu cử và rằng kết quả bầu cử có thể chậm công bố nếu quá nhiều cử tri chọn bỏ phiếu qua thư.
Tranh luận trực tiếp
Chỉ có 3 cuộc tranh luận trực tiếp giữa các ứng viên tổng thống từ nay cho đến bầu cử. Giữa lúc dịch Covid-19 bùng phát, chiến dịch vận động tranh cử của 2 ứng viên tổng thống Mỹ năm nay ít tiếp xúc trực tiếp với cử tri nhất trong nhiều kỳ bầu cử trở lại đây. Họ cũng ít có các cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí hơn.
Điều này đồng nghĩa với việc 3 cuộc tranh luận trực tiếp sắp tới được coi là cơ hội quan trọng để hai ứng viên bứt phá trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đặc biệt là với ông Trump khi muốn đảo ngược tình thế bất lợi hiện nay.
Ông Biden không được đánh giá cao về khả năng tranh luận trực tiếp và có thể sẵn sàng bỏ dở phần tranh luận khi hết thời gian cho phép. Trong khi đó, ông Trump thường không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc tranh luận và có thể rơi vào khó xử khi bị người dẫn đưa ra câu hỏi bất ngờ. Do vậy, liệu ai dẫn dắt cuộc tranh luận cũng sẽ là một yếu tố quan trọng.
Sức khỏe các ứng viên
Năm 2016, ông Trump ra tranh cử tổng thống khi đã 70 tuổi và trở thành vị tổng thống đắc cử nhiều tuổi nhất trong lịch sử Mỹ. Nếu ông Biden đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới, ông thậm chí phá "kỷ lục" đó bởi ông hiện 77 tuổi.
Ông Trump nhiều lần đặt ra hoài nghi về sức khỏe của ông Biden, cho rằng đối thủ ở đảng Dân chủ không đủ năng lực về thể chất lẫn tinh thần để điều hành chính phủ. Song vấn đề sức khỏe của chính ông Trump cũng là chủ đề gây sự chú ý thời gian qua khi ông đột xuất đến bệnh viện vào cuối năm ngoái, các video xuất hiện trên mạng xã hội cũng cho thấy ông dường như đi không vững trong một sự kiện hồi tháng 6 năm nay.
Kể cả không có những tin tức này, sức khỏe của hai ứng viên tổng thống Mỹ năm nay cũng đã là mối quan tâm của nhiều cử tri. Một khảo sát của CNN mới đây cho thấy, 48% cử tri Mỹ tham gia khảo sát nói rằng họ tin ông Biden có sức dẻo dai và sắc bén hơn, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Trump là 46%.