5 vũ khí của Ả rập Xê út khiến Iran phải dè chừng
(Dân trí) - Tạp chí National Interest (Mỹ) ngày 4/1 đã liệt kê 5 loại vũ khí hiện đại của Ả rập Xê út mà Iran phải dè chừng nếu cuộc chiến Tehran-Riyadh nổ ra, sau vụ một giáo sĩ hồi giáo dòng Shiite thân cận với Iran bị xử tử cùng 46 phạm nhân khác với tội danh khủng bố.
1) Tiêm kích F-15 Eagle
Nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ giàu có, Ả rập Xê út đã mua sắm một trong số vũ khí hiện đại nhất thế giới. Không quân hoàng gia Ả rập Xê út (RSAF) đang sở hữu nhiều chiến đấu cơ hiện đại nhất, trong đó có phi đội hùng mạnh F-15.
RSAF hiện đang vận hành phi đội gồm 86 chiến đấu cơ F-15C/D Eagle, hơn tất cả số máy bay Tehran hiện có. Ngoài ra, Ả rập Xê út còn có 70 máy bay ném bom đa năng F-15S Strike Eagle, có thể giúp thọc sâu vào các mục tiêu bên trong Iran. Các chiến đấu cơ Strike Eagle sẽ sớm được nâng cấp thành loại hiện đại F-15SA bằng các hệ thông radar truy quét điện từ, hệ thống tác chiến điện tử hiện đại và các bộ cảm biến tiên tiến khác. Ả rập Xê út đang trong quá trình đặt mua 84 máy bay chiến đấu mới sản xuất F-15SA Strike Eagle nhằm bổ sung cho phi đội trên.
2) Chiến đấu cơ đa nhiệm Eurofighter Typhoon
Quốc gia vùng Vịnh đã đặt mua 72 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon từ tập đoàn Eurofighter. Eurofighter Typhoon là loại máy bay vừa tác chiến trên không và có thể tác chiến trên bộ. Tuy nhiên, không rõ Ả rập Xê út đã nhận bao nhiêu chiếc từ tập đoàn sản xuất vũ khí Eurofighter. Theo nhiều nguồn tin, ước tính khoảng một nửa số máy bay đặt mua trên đã được bàn giao và đang được RSAF đưa vào sử dụng. Loại chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon có thể sẽ được bổ sung vào phi đội F-15 nếu có đối đầu quân sự trực tiếp với Iran.
3) Trực thăng AH-64D Apache
Ả rập Xê út đang sở hữu tới 82 trực thăng uy lực AH-64D Apache do hãng Boeing sản xuất. Loại trực thăng Apache đầu tiên được thiết kế vào cuối những năm 1970 nhằm trang bị cho quân đội Mỹ chống lại các cuộc tấn công vũ trang tiềm năng từ Liên Xô cũ ở khu vực trung Âu. Trong cuộc chiến vùng Vịnh, loại trực thăng đầu tiên AH-64A đã xóa sổ nhiều lực lượng vũ trang Iraq. Tuy nhiên, loại trực thăng này hoạt động không tốt lắm trong cuộc chiến Iraq năm 2003. Lực lượng của Tổng thống Saddam lúc đó đã thích ứng kịp thời bằng việc điều Sư đoàn Medina thuộc lực lượng Vệ binh cộng hoà để đáp trả tiểu đoàn Apache trong một cuộc phản công. Kết quả là một trực thăng của của tiểu đoàn Apache bị tiêu diệt, trong khi số còn lại bị hư hại nghiêm trọng.
Tuy nhiên, trực thăng Apache vẫn là công cụ quan trọng trong chiến dịch đánh chiếm Iraq và tiếp tục hoạt động tại đây để tiêu diệt lực tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Nếu được sử dụng đúng, trực thăng Apache trở thành vũ khí khiếp đảm đối với bất kỳ lực lượng bộ binh nào.
4) Tăng M1A2 Abrams
Lực lượng bộ binh Ả rập Xê út còn được trang bị loại xe tăng uy lực M1A2 Abrams, tương tự như loại xe tăng M1A2 SEP của quân đội Mỹ. Điểm khác ở chỗ loại tăng M1A2 Abrams không được trang bị vũ khí có chứa nguyên liệu uranium nghèo. Xe tăng còn được trang bị loại pháo 120 li nòng thẳng, do Đức sản xuất, có thể bắn liên tục 42 loạt đạn. Ngoài ra, xe tăng M1A2 Abrams còn được trang bị một súng máy loại 50 Cal. và một cặp súng máy khác loại 7,62 li M240. Hiện, Ả rập Xê út đang sở hữu 442 xe tăng M1A2 Abrams trong kho dự trữ.
5) Tàu hộ tống lớp Al Riyadh
Dựa trên mô hình tàu khu trục DCN lớp La Fayette, 3 chiếc tàu hộ tống lớp Al Riyadh thuộc loại tàu chiến phòng không có kích cỡ lớn hơn 25% tàu khu trục DCN lớp La Fayette. Tàu hộ tống lớp Al Riyadh còn trược trang bị một cặp gồm 8 hệ thống phóng tên lửa theo chiều thẳng đứng để phóng các tên lửa đất đối không Aster 15 có khả năng tiêu diệt mục tiêu trong phạm vi hoạt động 32km với độ cao 15,24km. Ngoài ra, các tàu hộ tống lớp Al Riyadh có thể mang 8 tên lửa chống hạm MBDA Exocet MM40 Block II.
Một khẩu đại bác Oto Melara 76/62 và một cặp súng máy loại 20 li được trang bị trên tàu cùng với các ngư lôi chống ngầm DCNS F17. Tàu hộ tống được trang bị các vũ khí tổng sức choán nước lên đến 4.500 tấn và đạt vận tốc tối đa khoảng 45.37km/h.
Vũ Duy
Theo National Interest