1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

5 điểm nóng trong quan hệ Iran - Ả rập Xê út

(Dân trí) - Việc Ả rập Xê út ngày 3/1 tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran là bước leo thang căng thẳng mới nhất giữa chính quyền Riyhad và Tehran, vốn lâu nay vẫn tồn tại nhiều điểm nóng.


Người biểu tình tụ tập trước đại sứ quán Ả rập Xê út ở Tehran. (Ảnh: EPA)

Người biểu tình tụ tập trước đại sứ quán Ả rập Xê út ở Tehran. (Ảnh: EPA)

Ả rập Xê út ngày 3/1 tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran, chỉ vài giờ sau khi người biểu tình phóng hỏa đại sứ quán Ả rập Xê út tại Tehran, để phản đối việc chính quyền Riyhad một ngày trước đó xử tử giáo sỹ hồi giáo dòng Shiite thân Iran Sheik Nimr al-Nimr.

Đây chính là căng thẳng mới nhất trong lịch sử quan hệ không mấy êm ả giữa hai cường quốc khu vực Trung Đông, và có khả năng sẽ làm gia tăng mức độ khó lường cho khu vực vốn nhiều năm qua đã trong tình trạng bất ổn, theo USA Today.

Nguồn gốc bất hòa giữa Ả rập Xê út và Iran nằm ở sự đối địch hàng thế kỷ qua giữa người Hồi giáo dòng Sunni, chiếm đa số tại Ả rập Xê út, và người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số tại Iran. Chính sự thù hằn giữa họ đã làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột tại Trung Đông, cũng như gây khó khăn cho nỗ lực đem hòa bình đến với khu vực này.

Ả rập Xê út là nơi có thánh đại Mecca linh thiêng nhất của người Hồi giáo, nơi hàng triệu tín đồ mỗi năm vẫn đổ về hành hương. Trong khi đó Iran, cường quốc số một trong thế giới Hồi giáo Shiite, lại được dẫn dắt bởi các giáo sỹ cấp tiến. Cả hai bên đều tìm cách mở rộng ảnh hưởng khắp Trung Đông, và trong quá trình đó, 5 vấn đề sau có thể là khởi nguồn cho những đụng độ mới giữa họ.

Quan hệ với Mỹ

Là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, Ả rập Xê út lâu nay vẫn được Washington viện trợ quân sự với quy mô lớn, đồng thời luôn có ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Mỹ. Kể từ khi cuộc Cách mạng Hồi giáo nổ ra tại Iran năm 1979, lật đổ chính quyền được Mỹ hậu thuẫn khi đó, quan hệ giữa Mỹ và Iran đổ vỡ, và người Ả rập Xê út càng được lợi.

Tuy nhiên, trong năm qua, cán cân quyền lực đã dịch chuyển, khi Tổng thống Obama đạt được thỏa thuận lịch sử với Iran, đề ra những giới hạn Tehran phải tuân thủ trong chương trình hạt nhân của mình. Để đổi lại việc Iran tuân thủ thỏa thuận, Mỹ và các cường quốc khác phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt chống Iran lâu nay. Điều này có thể được thực hiện ngay trong năm nay.

Do đó, người Ả rập Xê út lo ngại Iran có thể sử dụng hàng chục tỷ USD tài sản ở nước ngoài đang bị Mỹ và đồng minh phong tỏa, cũng như tranh thủ các cơ hội kinh doanh mới, để hậu thuẫn các nhóm nổi dậy người Shiite. Nếu điều này xảy ra, các chính phủ Hồi giáo dòng Sunni trong khu vực có nguy cơ gặp bất ổn.

Ngoài ra, chính quyền Riyhad cũng lo rằng Iran có thể mua sắm nhiều vũ khí để phục vụ cho mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của mình, cũng như sẽ tìm cách né tránh các quy định trong thỏa thuận hạt nhân.


Đại sứ quán Ả rập Xê út tại Tehran bị phóng hỏa. (Ảnh: AP)

Đại sứ quán Ả rập Xê út tại Tehran bị phóng hỏa. (Ảnh: AP)

Nội chiến tại Yemen

Yemen là quốc gia láng giềng nghèo khó tại phía nam Ả rập Xê út. Thời gian qua, nơi đây đã trở thành ví dụ điển hình về cuộc chiến ủy nhiệm, tranh giành ảnh hưởng giữa Riyhad và Tehran.

Hiện Riyhad đang dẫn đầu một liên minh quân sự khu vực với mục tiêu đánh bại lực lượng nổi dậy người Houthi, gồm đa số là người Hồi giáo Shiite, được viện trợ quân sự trực tiếp từ Iran.

Điểm nóng Syria

Iran hiện đang hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Bashar Assad, chiến đấu chống lại phe đối lập. Tehran cung cấp cả tài chính lẫn lực lượng chiến binh từ nhóm Hezbollah, một lực lượng Hồi giáo Shitte đóng tại Li-băng. Năm qua, chính quyền của ông Assad còn nhận được sự hỗ trợ lớn từ Nga.

Ở phía bên kia, Ả rập Xê út cùng với Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại hậu thuẫn các nhóm đối lập người Sunni, với mục tiêu lật đổ chính quyền Assad. Dù vậy, Mỹ hiện lo ngại rằng một vài trong số những nhóm đối lập có tư tưởng cực đoan nhất có thể bắt tay với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - một nhóm khủng bố Hồi giáo dòng Sunni - mà Mỹ và liên quân đang tìm cách tiêu diệt tại Syria và Iraq.

Tình hình Iraq

Mặc dù phần đông dân số Iraq là người Hồi giáo Shiite, Iraq suốt nhiều thập niên nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền dòng Sunni của Tổng thống bị lật đổ Saddam Hussein. Chỉ đến khi Mỹ tiến đánh Iraq năm 2003 điều này mới thay đổi. Hiện nay, chính phủ Iraq gồm đại đa số người Hồi giáo Shiite, và chịu ảnh hưởng lớn bởi Iran. Tehran lâu nay vẫn hỗ trợ cho các nhóm quân sự Shiite đầy ảnh hưởng tại Iraq.

Ả rập Xê út đang quan sát Iraq với ánh mắt e ngại, trong khi tỏ ra cảm thông với cộng đồng người Sunni, những người cho rằng họ bị chính phủ mới cô lập. Không ít trong số người Sunni này đang ủng hộ cho IS.

Dầu mỏ

Là cường quốc xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, Ả rập Xê út thời gian qua vẫn từ chối cắt giảm sản lượng bất chấp giá dầu lao dốc, nhằm bảo vệ thị phần của mình. Hậu quả là dầu giá rẻ đang tràn ngập thị trường, khiến vương quốc Vùng Vịnh này phải cắt giảm ngân sách do nguồn thu sụt giảm.

Tình hình sắp tới có thể còn xấu đi hơn nữa một khi các lệnh trừng phạt chống Iran được nới lỏng. Iran, được nhận định là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ tư thế giới, có thể xuất ra thị trường tới 500.000 thùng/ngày một khi được dỡ bỏ cấm vận. Con số đó thậm chí còn có thể tăng lên khi Tehran hồi sinh hạ tầng ngành dầu mỏ đã già nua của mình. Khi đó, nguồn thu gần như duy nhất từ dầu mỏ của Ả rập Xê út có thể còn teo tóp thêm nữa.

Thanh Tùng

Theo USA Today

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm