1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

5 trụ cột trong quan hệ Việt-Pháp

Các trụ cột hợp tác trong tương lai của Việt Nam và Pháp đã được xây dựng như một chương trình khung nhưng rất phong phú và sâu sắc. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đã trao đổi vấn đề này với PV Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Các trụ cột hợp tác trong tương lai của Việt Nam và Pháp đã được xây dựng như một chương trình khung nhưng rất phong phú và sâu sắc. Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đã trao đổi vấn đề này với PV Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng

Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng

Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng, việc nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược là một thỏa thuận quan trọng, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của quan hệ song phương Việt Nam-Pháp, phản ánh tầm vóc cũng như độ chín của mối quan hệ và quyết tâm của hai nước hướng tới những cam kết cao và toàn diện, trên tầm nhìn lâu dài nhằm đưa hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu và chặt chẽ hơn.

Bước phát triển mới này trong quan hệ với Pháp, một nước lớn, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc góp phần tăng cường vị thế quốc tế và khu vực của Việt Nam, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đều đang có những biến đổi sâu sắc và đất nước ta đang đứng trước những yêu cầu mới về phát triển và hội nhập.

Việc thiết lập đối tác chiến lược với Việt Nam mang lại những lợi ích thiết thực như thế nào đối với Pháp, thưa Đại sứ?

Đại sứ Dương Chí Dũng: Quan hệ đối tác là mối quan hệ dựa trên cơ sở chia sẻ lợi ích và hai bên cùng có lợi, quan hệ đối tác chiến lược còn nhằm tới những cái đích lâu dài và ngày càng tin cậy. Đó cũng là tư tưởng chung của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.

Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, có nhiều tiềm năng, đồng thời là một đối tác có uy tín và có vị thế quốc tế ngày càng tăng. Việt Nam cũng là một đối tác truyền thống của Pháp, nhân dân hai nước cũng có những sự gắn bó, gần gũi về nhiều mặt, hai nước chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế lớn, cùng là thành viên của cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp.

Đó là các điểm nhấn để Pháp thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, từ đó tạo những thuận lợi đáng kể cho Pháp nhằm triển khai hiệu quả hơn chủ trương tăng cường quan hệ và gia tăng sự hiện diện trong khu vực Châu Á-Thái Bình dương, đẩy mạnh hợp tác với ASEAN và với các đối tác tiềm năng, trong bối cảnh các nước lớn đều đang có sự điều chỉnh chính sách quan trọng hướng tới khu vực.

Theo Đại sứ, những lĩnh vực hợp tác nào đang được coi là trọng tâm của hai nước?

Đại sứ Dương Chí Dũng: Thỏa thuận Đối tác chiến lược Việt-Pháp đã xác định 5 lĩnh vực hợp tác trọng tâm là: Chính trị, ngoại giao; quốc phòng và an ninh; kinh tế, thương mại, đầu tư; hợp tác phát triển; văn hóa, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ.

Mỗi một lĩnh vực là một trụ cột của hợp tác Việt-Pháp trong tương lai, được xây dựng như một chương trình khung nhưng đã rất phong phú và sâu sắc, bao gồm từ việc tăng cường, phát triển các cơ chế chỉ đạo, trao đổi, tham vấn đến việc xác định những định hướng, mảng hợp tác, các dự án lớn, quan trọng, tạo sự huy động mọi nguồn lực, mọi thể chế, mọi tác nhân truyền thống cũng như tiềm năng của hợp tác Việt-Pháp.

Tất cả các biện pháp đó nhằm cho phép hai nước phát huy tối đa các truyền thống hợp tác, các thế mạnh của quan hệ song phương nhằm phục vụ các lợi ích chiến lược và lâu dài của mỗi nước, cũng như cùng nhau đóng góp vào lợi ích của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Trên cơ sở đó, đối thoại, tham vấn chính trị và an ninh, trao đổi chiến lược, phối hợp giữa hai nước trên các diễn đàn quốc tế sẽ được tiến hành thường xuyên. Hợp tác quốc phòng sẽ được tăng cường trong nhiều lĩnh vực, từ đào tạo, trao đổi thông tin, hiện đại hóa quân đội, đến hỗ trợ Việt Nam trong việc tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Hai nước cũng xác định một trong những ưu tiên cao là thúc đẩy mạnh hơn nữa trao đổi thương mại, hợp tác phát triển giao thương giữa Việt Nam và EU, đồng thời xây dựng những dự án đầu tư và phát triển sản xuất đáp ứng được yêu cầu và thế mạnh của cả hai nước. Các doanh nghiệp, các đối tác Pháp đang kỳ vọng vào những bước hợp tác kinh tế mới giữa hai nước.

Bên cạnh các điểm nhấn đó, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương, phát triển hợp tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những lĩnh vực vốn đã có truyền thống lâu dài và mang ý nghĩa đặc thù trong quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục được hết sức chú trọng.

Sự chia sẻ của Pháp đối với Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề lớn, đang nổi lên trong thời gian qua như thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Dương Chí Dũng: Các vấn đề an ninh quốc tế, nhất là những diễn biến trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như tại khu vực Đông Nam Á là một chủ đề thường xuyên và quán xuyến trong những cuộc trao đổi chiến lược ngoại giao cũng như quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp.

Trong chính sách tăng cường và đa dạng hóa quan hệ hơn nữa với khu vực, Pháp quan tâm và chia sẻ ngày càng nhiều hơn đến các vấn đề lớn đang nổi lên ở đây, trong đó có vấn đề Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp 2 năm liền đều tham gia Đối thoại Shangri La. Các cơ quan hoạch định chính sách của Pháp cho rằng với tư cách là nước có lãnh thổ tại Châu Á-Thái Bình Dương và có quan hệ chặt chẽ với khu vực, Pháp có lợi ích trong việc giữ gìn hòa bình và ổn định tại đây. Lãnh đạo Pháp cũng đã nhiều lần khẳng định ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở khu vực cũng như trên Biển Đông bằng biện pháp thương lượng hòa bình.

Chúng ta hoan nghênh đóng góp của tất cả các nước, các đối tác, trong đó có Pháp vào việc giữ gìn hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong khu vực.

Xin cám ơn và chúc Đại sứ cùng cơ quan đại diện làm tốt hơn nữa việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp đi vào thực chất, hiệu quả!


Theo Quốc Khánh
Chính phủ