1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

5 nước G7 lập liên minh giáng đòn vào năng lượng hạt nhân Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Mỹ, Anh cùng 3 thành viên G7 thống nhất lập liên minh nhằm thực hiện các biện pháp để loại Nga ra khỏi thị trường năng lượng hạt nhân quốc tế.

5 nước G7 lập liên minh giáng đòn vào năng lượng hạt nhân Nga - 1

Một lò phản ứng hạt nhân (Ảnh minh họa: FT).

Chính phủ Anh thông báo, 5 nước G7 gồm Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Pháp đã thống nhất lập một liên minh nhằm loại Nga khỏi thị trường năng lượng hạt nhân quốc tế, với hi vọng cắt nguồn ngân sách của Moscow cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tại Sapporo, Nhật Bản, bên lề cuộc họp G7, 5 nước đã nhất trí huy động các nguồn lực và khả năng tương ứng của các ngành điện hạt nhân dân sự của mỗi quốc gia để làm suy yếu sự kiểm soát của Nga đối với chuỗi cung ứng.

Theo thông báo, thỏa thuận này sẽ giúp cung cấp nhiên liệu ổn định cho nhu cầu hiện tại, cũng như đảm bảo việc phát triển và sử dụng nhiên liệu an toàn và đáng tin cậy cho các lò phản ứng tiên tiến trong tương lai. Thỏa thuận này được xem là cơ sở để đẩy Nga hoàn toàn ra khỏi thị trường nhiên liệu hạt nhân, nhằm gây áp lực tài chính lên Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong nhiều tháng qua, Ukraine nhiều lần kêu gọi phương Tây áp lệnh trừng phạt lên ngành năng lượng hạt nhân Nga nhưng tới nay chưa có bất cứ biện pháp cấm vận nào được đưa ra.

Theo các chuyên gia, vị thế của Nga trong thị trường nguyên liệu cho điện hạt nhân có thể tạo ra một thách thức lớn cho các nước phương Tây nếu muốn loại bỏ Moscow hoàn toàn khỏi chuỗi cung ứng.

Năm 2021, tập đoàn năng lượng hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước của Nga Rosatom cho biết họ kiểm soát 36% thị phần trong thị trường uranium làm giàu trên thế giới. Tập đoàn Urenco, có trụ sở tại Vương quốc Anh, đứng thứ 2 với 30%. Orano của Pháp nắm 14% trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc kiểm soát 12%.

Việc chuyển đổi uranium khai thác từ các mỏ nguyên liệu trở thành uranium làm giàu cho các lò phản ứng hạt nhân thường mất 3-5 năm và việc thay thế nguồn cung không phải là dễ dàng. Vì vậy, phương Tây thời gian qua chưa thể mạnh tay với uranium làm giàu từ Nga vì họ biết rằng việc thay thế vị trí dẫn đầu của Moscow trong thời gian ngắn là bất khả thi.

Mỹ nhập từ Nga 16% lượng sản phẩm liên quan tới uranium trong năm 2020. Dù Mỹ đã cấm nhập khẩu mọi mặt hàng liên quan tới năng lượng hóa thạch của Nga, nhưng Washington chưa thể cấm uranium từ Moscow.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) nhập 20% nhu cầu uranium làm giàu của khối từ Nga vào năm 2020. Giá thành uranium do Rosatom cung cấp tương đối thấp, khiến nó có sức cạnh tranh rất cao. Ngoài ra, các nước Đông Âu cũng sử dụng các lò phản ứng hạt nhân do Nga sản xuất dẫn tới việc họ cũng phải nhập uranium làm giàu từ Nga. Việc chuyển đổi ngay lập tức sang nguồn nguyên liệu năng lượng hạt nhân khác rất khó để thực hiện.

Từ năm ngoái, các chuyên gia kêu phương Tây kêu gọi các nước cần ngay lập tức xem xét mức độ liên quan tới hoạt động xuất khẩu sản phẩm hạt nhân của Nga và thực hiện các bước để giảm bớt nó hoặc họ sẽ có thể phải đối mặt với một cú sốc năng lượng khác.

Theo Sky News, Nikkei
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine