5 lý do Tổng thống Hàn Quốc không từ chức bất chấp bê bối
(Dân trí) - Bất chấp làn sóng biểu tình phản đối lên cao, tỷ lệ ủng hộ thấp và việc một số trợ lý chủ chốt đã đệ đơn từ chức, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye vẫn không từ chức. Vì sao như vậy?
Áp lực từ chức đã gia tăng đối với Tổng thống Park Geun-hye, sau khi các công tố viên Hàn Quốc tuyên bố điều tra khả năng bà liên quan đến vụ tham nhũng lớn.
Cuối tuần qua, các công tố viên Hàn Quốc đã chính thức truy tố ba người thân cận với bà: Người bạn lâu năm Choi Soon-sil và cựu trợ lý An Chong-bum bị buộc tội lạm dụng quyền lực, gian lận và cưỡng chế; trợ lý cũ Chung Ho-sung đối mặt với cáo buộc liên quan đến rò rỉ tài liệu mật cho bà Choi qua email, điện thoại và fax.
Văn phòng của bà Park lên tiếng bác bỏ các cáo buộc từ các công tố viên, gọi đây là các “vụ công kích mang động cơ chính trị không công bằng”.
Trong khi đó, các đảng đối lập chính của Hàn Quốc đã bỏ phiếu để tìm cách thúc đẩy luận tội tổng thống. Những đám đông biểu tình lớn yêu cầu bà Park từ chức không có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, Tổng thống Park vẫn không từ chức.
Tổng thống được miễn truy tố
Hiến pháp Hàn Quốc không cho phép kết tội Tổng thống đương nhiệm, trừ khi bà phạm nổi dậy hoặc phản quốc.
Còn 15 tháng nữa là bà Park là hết nhiệm kỳ. Nếu bà từ chức, như hàng ngàn người dân Hàn Quốc đang đòi hỏi, cuộc bầu cử Tổng thống mới phải được thực hiện trong vòng 60 ngày.
Chưa có ai tiếp quản vị trí
Ở Hàn Quốc, vị trí thủ tướng chỉ mang tính nghi thức. Mặc dù hồi đầu tháng 11 bà Park đã sa thải Thủ tướng Hwang Kyo-ahn nhưng trong khi chưa có người mới thay thế, ông này vẫn đại diện bà tham dự Hội nghị APEC tại Peru.
Bà Park đã cử Kim Byong-joon, một giáo sư tại Đại học Kookmin ở Seoul, là người thay thế ông Hwang Kyo-ahn, nhưng Quốc hội vẫn chưa thông qua việc ông Kim tiếp quản vị trí này.
Truyền thông địa phương phỏng đoán Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-Moon - người kết thúc nhiệm kỳ tại Liên Hợp Quốc vào tháng 12 năm nay - có thể tranh cử tổng thống. Ông Ban vẫn chưa xác định thông tin này.
Tuy nhiên, John Delury, một chuyên gia về vấn đề Triều Tiên tại Đại học Yonsei, nói với CNN rằng mối liên kết chặt chẽ giữa ông Ban với đảng của bà Park và vị trí “người ngoại đạo” của ông có thể là một bất lợi.
Đảng của bà Park không thúc đẩy bà ra đi
Các cáo buộc tham nhũng và lạm quyền đã kích động các cuộc biểu tình hàng loạt trên khắp cả nước. Tuy nhiên, Paul Cha, giáo sư chuyên về lịch sử Triều Tiên hiện đại tại Đại học Hong Kong, nói rằng vẫn không có lý do cụ thể buộc bà Park từ chức và đảng của bà không gây áp lực buộc bà từ chức.
"Hàn Quốc đã chứng kiến làn sóng phản đối kịch liệt và một số lãnh đạo của các nhóm chính trị đối lập đã kêu gọi cho bà Park từ chức. Nhưng nói chung, về mặt chính trị, phe đối lập dường như nghiêng nhiều hơn về tìm kiếm luận tội bà. Tương tự như vậy, đảng của bà không gây áp lực đòi bà từ chức," ông Cha nói.
Sự phản đối yếu ớt
Dù dư luận lớn tiếng kêu gọi bà Park phải từ chức, Dave Kang, giáo sư về quan hệ quốc tế và là chuyên gia về Hàn Quốc tại Đại học Nam California, nói rằng các đảng đối lập chính vẫn chưa ủng hộ yêu cầu từ chức của công chúng.
"Mọi người đều biết rằng bà Park từ chức sẽ để lại khoảng trống quyền lực”, ông Kang nói, “hỗn loạn chính trị có khả năng sẽ xảy ra sau đó”.
Trả lời phỏng vấn AFP, nhà bình luận chính trị Kim Hong-Guk cũng có chung nhận định: “Cho dù hiện người dân tỏ ra rất tức giận với bà Park, nhưng nhiều nhà lập pháp không muốn mạo hiểm thúc đẩy quá trình luận tội”.
Nếu bà Park từ chức, cuộc bầu cử Tổng thống mới phải được thực hiện trong vòng 60 ngày. “Phe đối lập chưa sẵn sàng để lãnh đạo", Giáo sư Dave Kang nói.
Dòng dõi của bà Park
Bà Park là con gái của ông Park Chung-hee, Tổng thống Hàn Quốc từ năm 1961-1979, người bị giám đốc tình báo của chính mình bắn chết. Vụ việc này xảy ra chỉ 5 năm sau khi mẹ đẻ của bà bị ám sát nhầm bởi viên đạn định dành cho cha bà.
Bà Park đã phải kiên cường trong một thời gian dài, đương đầu với bao khó khăn mới có thể bước chân vào Nhà Xanh, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Vì thế, hẳn là bà không thể từ bỏ dễ dàng vị trí.
Tuệ An
Theo CNN, AFP