1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

5 lý do khiến Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân

(Dân trí) - Hãng tin Bloomberg của Mỹ ngày 11/1 trích dẫn các chuyên gia quân sự nêu ra 5 lý do giải thích cho việc Triều Tiên theo đuổi chương trình hạt nhân, nhận định rằng vụ thử bom nhiệt hạch ngày 6/1 của Bình Nhưỡng là một bước cụ thể nhằm thực hiện tham vọng này.

 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: www.todayonline.com)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: www.todayonline.com)

1) “Gươm báu” bảo vệ chính quyền

Triều Tiên gọi các vũ khí hạt nhân là “gươm báu” để nhằm đối phó với kẻ thù xâm lược. Bình Nhưỡng đã lý giải sở dĩ Iraq và Libya sụp đổ là vì các nhà lãnh đạo Saddam Hussein và Muammar Qaddafi đã từ bỏ mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng cảnh giác về sự hiện diện quân đội Mỹ tại biên giới phía nam với gần 30.000 quân đồn trú tại Hàn Quốc cùng nhiều vũ khí siêu việt như trực thăng tấn công Apache và các tiêm kích F-16.

Tiến sĩ Jonathan Pollack tại Viện nghiên cứu Brookings, trụ sở tại Washington (Mỹ), trong một bài báo xuất bản tuần trước viết: “Lãnh đạo Triều Tiên tự tin rằng sự tồn tại của Triều Tiên như một quốc gia có chủ quyền là nhờ nước này trực tiếp sở hữu vũ khí hạt nhân”.

2) Vũ khí để đổi lấy hỗ trợ kinh tế

Triều Tiên có lịch sử là sử dụng các cuộc khủng hoảng hạt nhân để đổi lấy các hỗ trợ về kinh tế từ phương Tây. Đầu những năm 1990, Triều Tiên đã đồng ý dỡ bỏ các thanh nhiên liệu từ một lò phản ứng hạt nhân. Đổi lại, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter khi đó đã phải can thiệp và làm trung gian cho các cuộc đàm phán và Mỹ cam kết hỗ trợ về năng lượng.

Sau vụ thử đầu tiên vào năm 2006 của Triều Tiên, các phiên đàm phán đa phương về giải trừ vũ khí trên bán đảo Triều Tiên đã đem lại một cam kết hỗ trợ năng lượng và kinh tế cho Triều Tiên. Đổi lại, Bình Nhưỡng đóng các cơ sở hạt nhân của nước này. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng sau đó vẫn tái khởi động chương trình hạt nhân sau đó. Giải thích về vấn đề này, Ralph Cossa, chủ tịch diễn đàn thuộc Trung tâm nghiên cứu CSIS tại Honolulu (Hawaii, Mỹ) nhấn mạnh rằng: “Họ muốn tạo ra một cuộc khủng hoảng trước khi để ngỏ khả năng nào đó để trao đổi”.

3) Củng cố vị thế quyền lực

Ông Kim Jong-un rất ít có thời gian chuẩn bị để tiếp nhận chuyển giao quyền lực từ người bố, cố lãnh đạo Kim Jong-iIl, nhà lãnh đạo này đã qua đời vào năm 2011. Ông Kim Jong-un đã tìm cách cách củng cố vị thế quyền lực và tiếp nối chính sách “ưu tiên quân sự” từ thời bố ông. Mới ngoài 30 tuổi, nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã ra lệnh tiến hành 2 trong tổng cộng 4 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên nhằm tiếp nối chương trình hạt nhân để phát triển loại tên lửa đạn đạo tầm xa có khả năng bắn tới Mỹ.

Ông Chun Yung Woo, nguyên là nhà đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc, nhận định trong bức thư điện tử trả lời Viện Nghiên cứu chính sách Asan của Hàn Quốc rằng: “Ông Kim rất khôn ngoan khi chế tạo vũ khí hạt nhân. Có được vũ khí có sức răn đe có tầm quan trọng hơn nhiều bất chấp nước này có bị cô lập lớn hơn”.

4) Sự lạc hậu của các khí tài thông thường

Triều Tiên đã lạc hậu hơn Hàn Quốc về khả năng phát động các cuộc chiến tranh thông thường vì khoảng cách giữa 2 nền kinh tế ngày càng nới rộng. Mặc dù ông Kim đứng đầu quân đội với quân số hơn 1 triệu binh lính nhưng phần lớn các khí tài của quân đội Triều Tiên đều trở nên lạc hậu và không hiệu quả. Bình Nhưỡng đã tìm cách lấp khoảng trống bằng việc phát triển các tàu ngầm, tên lửa tầm xa và tất nhiên có bom hạt nhân.

Triều Tiên ước chi khoảng 700 triệu USD đến 10 tỷ USD mỗi năm cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Đây là một khoảng ngân sách lớn đối với một quốc gia mà GDP đạt chỉ khoảng 28 tỷ USD, theo ngân hàng Bank of Korea. Chi phí này thấp hơn nếu so với việc khoản chi cho vực dậy nền kinh tế yếu kém của Triều Tiên, theo Tiến sĩ Park Chang Kwon, nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu quân sự Hàn Quốc, trụ sở tại thủ đô Seoul. “Những lợi ích hơn hẳn so với khoản chi phí. Nền kinh tế Triều Tiên không thể khôi phục trong 1 thời gian ngắn, nhưng bom nguyên tử có để chế tạo được nhanh hơn nhiều với việc tăng mạnh đầu tư”, Tiến sĩ Park cho hay.

5) Giảm sự ảnh hưởng từ phía Trung Quốc

Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã tăng tốc từ những năm đầu 1990 sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, một quốc gia đồng minh của Triều Tiên khi đó. Bình Nhưỡng cảm nhận rằng Trung Quốc, một nước đồng minh duy nhất, quay sang phía Hàn Quốc bằng việc tăng cường quan hệ và chính vì vậy Bình Nhưỡng đã tăng tốc phát triển vũ khí hạt nhân để nhằm giảm ảnh hưởng từ phía Trung Quốc.

Tiến sĩ Park Chang Kwon nhận định: “Triều Tiên đang cố gắng thoát cái khỏi bóng của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện ít có ảnh hưởng lên Bình Nhưỡng. Chính phủ Bình Nhưỡng đã tự hào về các vũ khí hạt nhân của nước này và miễn cưỡng trước áp lực từ Trung Quốc”.

Vũ Duy

Theo Bloomberg