Ả rập Xê út cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran
(Dân trí) - Ả rập Xê út hôm qua 3/1 chính thức tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau những căng thẳng liên quan đến việc Ả rập Xê út hành quyết tử tù trong đó có 1 giáo sỹ Hồi giáo nhánh Shiite.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm qua, Ngoại trưởng Ả rập Xê út Adel al-Jubeir yêu cầu toàn bộ phái đoàn ngoại giao Iran và các thực thể liên quan lập tức rời khỏi Ả rập Xê út trong vòng 48 giờ.
“Ả rập Xê út tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran và yêu cầu toàn bộ phái đoàn ngoại giao, đại sứ quán, lãnh sự quán và các cơ quan liên quan của Iran rời đi trong vòng 48 giờ”, ông Jubeir nói.
Ông Jubeir cho biết, Ả rập Xê út sẽ không cho phép Iran làm ảnh hưởng tới an ninh của nước này và cáo buộc Iran đang tạo ra các phần tử khủng bố trong lòng Ảrập Xêút.
Trong khi đó, các quan chức ngoại giao của Ả rập Xê út cũng được sơ tán khỏi Tehran sau khi những người biểu tình Iran tấn công lãnh sự quán Ả rập Xê út đặt tại đây vào ngày 2/1. Những quan chức này đã đến Dubai và đang trên đường trở về Ả rập Xê út, theo báo Al Arabiya.
Căng thẳng giữa 2 nước bùng phát sau khi Ả rập Xê út xử tử 47 tử tù, trong đó có giáo sỹ Hồi giáo nhánh Shiite Nimr al-Nimr, nhân vật chủ chốt trong làn sóng biểu tình nổ ra năm 2011 ở miền Đông Ả rập Xê út. Đây là vụ xử tử lớn nhất ở Ả rập Xê út kể từ năm 1980.
Những tử tù này bị cáo buộc là thành viên của tổ chức khủng bố al-Qaeda, trong khi Nimr và 3 từ tù khác bị cáo buộc kích động các vụ bạo loạn, xung đột sắc tộc ở Ả rập Xê út trong giai đoạn 2010-2012.
Việc hành quyết giáo sỹ này đã nhanh chóng kéo theo làn sóng nổi giận ở thế giới người Hồi giáo Shiite. Iran đã triệu tập đại sứ Ả rập Xê út và chỉ vài giờ sau đó người biểu tình ở Iran đã xông vào đốt phá đại sứ quán Ả rập Xê út ở Tehran và và lãnh sự quán ở Mahshad.
Vệ binh Cách mạng Iran hôm qua 3/1 cảnh báo, cái chết của giáo sĩ Nimr sẽ dẫn đến "suy vong " của vương triều Ả rập Xê út. Vệ binh Cách mạng mô tả việc hành quyết ông Nimr giống như một hành động dã man thời trung cổ.
Iran và Ả rập Xê út được cho là tranh giành vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo kể từ cuộc cách mạng ở Iran năm 1979, sự kiện đã đưa các giáo sĩ Shiite theo đường lối cứng rắn lên nắm quyền lực.
Sau các cuộc biểu tình của phong trào Mùa Xuân Ả rập nổ ra vào năm 2011, Ả rập Xê út và Iran bước vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm khốc liệt tại Syria, nơi hai bên hậu thuẫn cho các bên đối lập nhau trong cuộc xung đột, và tại Yemen, nơi Ả rập Xê út đã oanh kích phiến quân là đồng minh của Iran kể từ tháng 3.
Minh Phương
Tổng hợp