1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

5 câu hỏi lớn quanh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

(Dân trí) - Triều Tiên dự kiến sẽ phóng một vệ tinh, có thể sớm nhất vào hôm nay (12/4), trong một sứ mệnh vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế, vốn coi đây là thực chất là một vụ thử tên lửa tầm xa.

 
5 câu hỏi lớn quanh vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Tên lửa đẩy Unha-3 của Triều Tiên tại bãi phóng.

Giới chức Triều Tiên cho biết tên lửa đẩy Unha-3 mới của nước này sẽ đưa một vệ tinh quan sát trái đất vào quỹ đạo trong khoảng thời gian từ 12-16/4 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành, người sáng lập đất nước.

Những vẫn có nhiều nghi vấn quanh bản chất thật sự của vụ phóng và trình độ công nghệ tên lửa của Bình Nhưỡng. Dưới đây là 5 câu hỏi lớn, và một số lời giải, xung quanh kế hoạch phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

Phóng vệ tinh hay tên lửa đạn đạo?

Các quan chức Triều Tiên nói tên lửa Unha-3 là một phương tiện phóng vũ trụ không người lái nhằm đưa các vệ tinh vào quỹ đạo. Tên lửa gồm 3 tầng và cũng là mới nhất trong các dòng tên lửa Unha.

Triều Tiên khẳng định tên lửa sẽ chứng minh các thành tựu công nghệ của nước này và “sức mạnh của một cường quốc vũ trụ khác đang hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế bằng cách đẩy mạnh các lĩnh vực công nghệ và khoa học mới nhất”, theo hãng thông tấn nhà nước KCNA.

Nhưng các nhà quan sát tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng vụ thử Unha-3 thực chất là một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo, với vụ phóng sắp tới nhằm kiểm tra công nghệ vũ khí quân sự.

Thông báo của Bình Nhưỡng về vụ phóng vệ tinh hồi tháng 3 được xem là một động thái khiêu khích và gây bất ngờ lớn. Không lâu trước đó, Triều Tiên mới đạt được thoả thuận với Mỹ về việc từ bỏ các vụ thử tên lửa và hạt nhân nhằm đổi lấy viện trợ lương thực.

Sứ mệnh của tên lửa là gì?

Tên lửa Unha-3 cao khoảng 30m và sẽ bay lên từ một địa điểm phóng mới gần ngôi làng Tongchang-ri ở tây bắc Triều Tiên.

KCNA miêu tả địa điểm phóng là Trạm phóng vệ tinh Sohae tại huyện Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan. Địa điểm phóng cách biên giới Trung Quốc khoảng 50km.

Theo các quan chức Triều Tiên, tên lửa Unha-3 sẽ phóng một vệ tinh tên gọi Kwangmyongsong-3. Đây là một vệ tinh quan sát trái đất và sẽ giám sát các tài nguyên rừng, thiên tai, trợ giúp lên kế hoạch mùa màng và giám sát thời tiết, theo KCNA.

Các hình ảnh và video về Kwangmyongsong-3 trên nhiều nguồn báo chí cho thấy vệ tinh hoạt động bằng năng lượng mặt trời này có kích thước tương đương một ngăn tủ nhỏ.

Đường bay của tên lửa sẽ hướng về phía nam. Tầng đầu tiên của tên lửa sẽ rơi xuống Hoàng Hải và tầng thứ 2 rơi xuống vùng biển gần Philippines. Nhật Bản và Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ bắn hạ tên lửa nếu đi lạc vào lãnh thổ các nước này.

Điều gì khiến các tên lửa Triều Tiên khó tới quỹ đạo?

Bên cạnh nhiều rào cản kỹ thuật, vị trí địa lý của Triều Tiên khiến nước này trở thành một nơi rất khó khăn để từ đó phóng các tên lửa lên vũ trụ.

Triều Tiên nằm ở toạ độ 39,4 vĩ độ bắc của xích đạo. Địa điểm phóng càng gần xích đạo thì càng dễ trong việc đưa các trọng tải lên quỹ đạo do lực đẩy được cộng thêm vận tốc quay của trái đất.

Vì bệ phóng nằm ở xa xích đạo, cách khoảng 4.300km, so với khoảng 3.100km trong trường hợp của sân bay vũ trụ NASA tại Florida (Mỹ), điều đó sẽ khiến vệ tinh trở nên khó khăn trong việc vươn tới độ nghiêng quỹ đạo mà các quốc gia khác sử dụng.

Ngoài ra, do Triều Tiên nằm tương đối gần Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines khiến việc tìm một tầm phóng thoáng trên biển cũng rất khó khăn. Một tầm phóng thoáng có ý nghĩa quan trọng nhằm tránh những tổn thương hoặc thiệt hại tới mặt đất có thể gây ra bởi một vụ phóng tên lửa thất bại.

Liệu vụ phóng tên lửa có cơ hội thành công?

Đây là vụ phóng đầu tiên của lửa Unha-3 nên việc thành công hay thất bại là rất khó dự đoán. Nhưng 2 nỗ lực trước đó của Triều Tiên nhằm phóng vệ tinh đều không đi tới quỹ đạo.

Vào năm 1998, Triều Tiên đã phóng tên lửa Taepodong-1 cao 25m mang theo vệ tinh nhỏ Kwangmyongsong-1. Mặc dù các quan chức Triều Tiên khẳng định vệ tinh đã tới quỹ đạo thành công và phát các bài hát yêu nước, nhưng các nhà quan sát phương Tây cho biết vụ thử nghiệm là một thất bại.

Vào tháng 4/2009. Triều Tiên lại một lần nữa phóng vệ tinh, lần này có tên gọi Kwangmyongsong-2. Vụ phóng đó sử dụng một phiên bản tiên tiến của tên lửa Taepodong-2 nhưng cuối cùng nó đã rơi xuống Thái Bình Dương, theo các nhà quan sát phương Tây. Tầng thứ 3 của tên lửa dường như đã không đốt cháy như kế hoạch, theo một bản phân tích vào thời điểm đó. Cũng giống như vụ thử năm 1998, các quan chức Triều Tiên cũng khẳng định vụ phóng là một thành công.

Triều Tiên sẽ thông báo vụ phóng thành công hay thất bại bằng cách nào?

Nếu vụ phóng thất bại, các kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy lời xác nhận thất bại thường được đưa ra bởi các nhà quan sát bên ngoài, chứ không phải thông qua các kênh chính thức của Triều Tiên.

Sau vụ phóng vệ tinh thất bại năm 2009, các kết quả của sứ mệnh đó được đưa ra bởi các phân tích độc lập. Trong khi Triều Tiên khẳng định vụ phóng thành công, các nhà quan chức bên ngoài nói không có dấu hiệu cho thấy vệ tinh tới quỹ đạo.

Nếu tên lửa Unha-3 mới của Triều Tiên thành công trong việc đưa vệ tinh vào quỹ đạo, một tuyên bố chính thức sẽ được đưa ra.

Trong một động thái chưa có tiền lệ, Triều Tiên đã mở cửa địa điểm phóng cho các nhà báo nước ngoài tới tham quan trong những ngày gần đây, cung cấp một cái nhìn thoáng qua về tiến bộ công nghệ và các cơ sở chương trình không gian của Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu thời điểm phóng Unha-3 có thể được báo trước hoặc phát trên truyền hình công khai hay không.

An Bình
Theo Space