1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

44 trẻ em đã thiệt mạng hậu chính biến, quân đội Myanmar chịu sức ép lớn

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quân đội Myanmar tiếp tục chịu sức ép từ cộng đồng quốc tế khi phong trào biểu tình trong nước vẫn chưa hạ nhiệt và đã làm hơn 540 người thiệt mạng, trong đó có 44 trẻ em.

44 trẻ em đã thiệt mạng hậu chính biến, quân đội Myanmar chịu sức ép lớn - 1

Người biểu tình phản đối đảo chính ở Mandalay, Myanmar tháng trước (Ảnh: AFP). 

AFP dẫn thống kê của một tổ chức phi chính phủ theo dõi tình hình Myanmar cho hay, 2 tháng sau cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2, có 543 thường dân Myanmar đã thiệt mạng trong phong trào biểu tình phản đối động thái của quân đội, trong đó có 44 trẻ em.

Theo AFP, chính quyền quân sự Myanmar đang đối mặt với sức ép ngày càng dồn dập từ cộng đồng quốc tế vì số người chết và mất tích gia tăng mỗi ngày.

Từ tháng 2, hàng trăm nghìn người Myanmar đã xuống đường, kêu gọi quân đội bàn giao lại quyền lực cho chính quyền dân sự và công nhận kết quả cuộc bầu cử tháng 11/2020 - sự kiện mà quân đội viện dẫn có gian lận để thực hiện cuộc đảo chính. Ngoài ra, lực lượng an ninh cũng đã bắt khoảng 2.700 người.

44 trẻ em đã thiệt mạng hậu chính biến, quân đội Myanmar chịu sức ép lớn - 2

Hoa đặt tại nơi tưởng niệm người biểu tình bị thiệt mạng (Ảnh: Reuters).

Tổ chức từ thiện Save The Children (Anh) cho biết, số trẻ em thiệt mạng trong 12 ngày qua ở Myanmar đã tăng gấp đôi khoảng thời gian trước.

"Chúng tôi sốc vì trẻ em tiếp tục trở thành mục tiêu của các vụ tấn công chết người, dù đã có nhiều lời kêu gọi phải bảo vệ trẻ em khỏi nguy hiểm. Thật đáng sợ khi một số trẻ em được cho đã thiệt mạng tại nhà, nơi chúng lẽ ra phải được an toàn", tổ chức trên cho hay.

Trước tình trạng căng thẳng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, quân đội Myanmar đang chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 1/4 bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình xấu đi nhanh chóng" và chỉ trích hành động bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa.

Các nước phương Tây, Mỹ và Liên minh châu Âu EU trong những ngày qua đã áp lệnh trừng phạt lên các cá nhân và tổ chức liên quan tới quân đội Myanmar. Mỹ cũng tuyên bố đình chỉ tất cả các hoạt động thương mại với Myanmar từ ngày 29/3 cho đến khi nền dân chủ lập lại ở quốc gia Đông Nam Á này.

Trong khi đó, Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun kêu gọi cộng đồng quốc tế lập tức cắt đầu tư trực tiếp vào nước này cho tới khi chính phủ dân cử được khôi phục. Ông Kyaw là nhà ngoại giao do chính phủ dân sự Myanmar bổ nhiệm trước khi đảo chính diễn ra.

Australia yêu cầu Myanmar thả cố vấn của bà Aung San Suu Kyi

44 trẻ em đã thiệt mạng hậu chính biến, quân đội Myanmar chịu sức ép lớn - 3

Ông  Sean Turnell (Ảnh: Reuters).

Canberra ngày 2/4 kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar thả ngay lập tức cố vấn kinh tế người Australia Sean Turnell. Ông Turnell, giáo sư kinh tế tại đại học Macquarie, Sydney đã là cố vấn cho chính phủ dân sự và bà Suu Kyi trong nhiều năm qua.

Cùng với Cố vấn Nhà nước Suu Kyi, ông Turnell hồi tuần trước đã bị cáo buộc vi phạm Đạo luật Bí mật Chính thức của Myanmar, theo Reuters. Australia cáo buộc việc quân đội Myanmar bắt ông Turnell là hành vi "tùy tiện". 

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Australia cho biết trong một tuyên bố: "Australia kêu gọi trả tự do ngay lập tức ông Turnell và muốn biết lý do ông ấy bị giam giữ. Chúng tôi kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar cho phép Giáo sư Turnell trở về với gia đình ở Australia".

Ông Turnell là người nước ngoài đầu tiên bị quân đội Myanmar bắt giam sau cuộc đảo chính ngày 1/2.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm