1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

4 thành viên gia đình Ấn Độ chết đuối vì ham chụp ảnh "tự sướng" trên sông

(Dân trí) - 4 người trong một gia đình Ấn Độ đã thiệt mạng do chết đuối vì cố gắng chụp hình “tự sướng” trên một con sông nước chảy xiết.

4 thành viên gia đình Ấn Độ chết đuối vì ham chụp ảnh tự sướng trên sông - 1

Sông Tamil Nadu (Ảnh: Getty)

Một phụ nữ vừa kết hôn và 3 thành viên trong gia đình ở Ấn Độ đã chết đuối ngày 6/10 vì bị nước cuốn đi khi đang cố gắng chụp ảnh “tự sướng” tập thể với nhau, BBC dẫn lời cảnh sát bang Tamil Nadu cho hay.

Bốn người thiệt mạng nằm trong nhóm 6 người nắm tay nhau và lội xuống một con sông nước chảy xiết, ngập tới bụng ở gần đập Pambar. Một người trong số đó bị trượt chân, kéo những người còn lại ngã theo.

Theo BBC, cặp đôi mới cưới cùng em gái của người vợ đã di chuyển từ Bargur, bang Krishnagiri tới Uthangarai, bang Tamil Nadu để thăm họ hàng nhà trai. Ba người này cùng với 3 người em họ của người chồng đã ra con sông chơi và nảy ra ý định chụp hình. Theo truyền thông địa phương, cậu em họ 14 tuổi đã bị ngã, lôi theo 2 chị gái 18 và 19 tuổi cùng với 3 người nói trên vào dòng nước chảy xiết.

Chồng của người phụ nữ mới cưới kịp cứu được em gái của cô, nhưng toàn bộ 4 người còn lại đã bị nước cuốn đi và thiệt mạng.

Ấn Độ là quốc gia có số lượng người chết trong các tai nạn liên quan tới chụp ảnh “tự sướng” lớn nhất thế giới. Theo nghiên cứu của Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, từ năm 2011-2017, Ấn Độ chiếm một nửa trong 259 vụ việc thiệt mạng do chụp hình “tự sướng” được ghi nhận. Nga, Mỹ, Pakistan lần lượt nhận các vị trí đằng sau trong danh sách.

Vụ việc ngày 6/10 là thảm kịch mới nhất liên quan tới chụp ảnh “tự sướng” ở Ấn Độ. Các chuyên gia nhiều lần cảnh báo mọi người đang “liều mình” không cần thiết để gây ấn tượng với những người bạn trên mạng xã hội.

Tại bang Haryana, hồi tháng 5, ba thiếu niên đã thiệt mạng do bị tàu đâm khi đang chụp ảnh “tự sướng” trên đường ray. Năm 2017, bang Karnataka tung ra một chiến dịch cảnh báo mọi người về mối nguy hiểm của việc ham mê “sống ảo” sau cái chết của 4 sinh viên.

Đức Hoàng

Theo BBC