1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

3 tháng sau cuộc gặp Trump-Kim và cục diện Thượng đỉnh Mỹ-Triều 2

Đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên có thể bị coi là “giậm chân tại chỗ” khiến cục diện thay đổi đáng kể trước Thượng đỉnh Mỹ - Triều 2.

Đã 3 tháng kể từ cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore nhưng kế hoạch phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên không có tiến bộ rõ rệt nào và đàm phán giữa 2 bên lâm vào bế tắc.

Thất vọng nhưng Tổng thống Trump vẫn nỗ lực thu xếp một cuộc gặp Thượng đỉnh nữa với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.


Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1. (Ảnh: Reuters)

Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1. (Ảnh: Reuters)

Nhà Trắng ngày 10/9 đã nói ông Kim gửi cho ông Trump một lá thư “rất nồng ấm” và đề nghị tổ chức một cuộc gặp như thế. Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết, 2 bên đang thu xếp cho cuộc gặp Thượng đỉnh thứ hai nhưng bà không khẳng định cuộc gặp đó sẽ được tổ chức khi nào và ở đâu.

Còn ông Trump thì đã chia sẻ trên Twitter rằng “chẳng điều gì có thể giống như một cuộc đối thoại tốt đẹp từ 2 người quý mến nhau”.

Mối quan hệ giữa ông Trump và ông Kim không phải là điều duy nhất thay đổi sau cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử 3 tháng trước. Cuộc gặp đó đã khiến cục diện “được - mất” và vị thế của các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên cũng như các nước có liên quan là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản thay đổi rất lớn, qua đó phần nào định hình cho cuộc Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Ông Donald Trump: Đi đúng hướng nhưng không thể vội vàng

Uy tín của Tổng thống Mỹ dường như đã được tăng lên nhờ việc ông giảm nguy cơ xung đột vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên và thuyết phục Triều Tiên trao trả những hài cốt được cho là lính Mỹ tử trận trong Chiến tranh liên Triều (1950 - 1953).

Nhưng thời gian qua ở Washington lại có những nghi ngờ về thiện chí sẵn sàng phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và điều đó đã dẫn tới việc ông Trump quyết định hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Bình Nhưỡng.

Bế tắc hiện nay có thể được tóm tắt như sau: Mỹ muốn Triều Tiên chứng minh rằng nước này từ bỏ vũ khí và các cơ sở hạt nhân trong khi Bình Nhưỡng khăng khăng rằng Washington trước hết cần phải tuyên bố chấm dứt Chiến tranh liên Triều . Về mặt lý thuyết, các bên mới chỉ đình chiến từ năm 1953.

Các nhà phân tích cho rằng ông Trump đã đưa được vấn đề hạt nhân Triều Tiên cực kỳ phức tạp vào đúng lộ trình nhưng phải mất rất nhiều thời gian mới nhận được kết quả rõ rệt.

“Điều xảy ra từ khi ông Trump nhúng tay vào vấn đề này là nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đẩy các vụ thử hạt nhân và tên lửa lên đến đỉnh điểm, sau đó lại đảo chiều theo cả nghĩa dừng và cấm các vụ thử như thế” – Giáo sư trường đại học Yonsei ở Seoul, Hàn Quốc, ông John Delury nêu rõ.

“Thiết lập một mối quan hệ kiểu mới giữa Mỹ và Triều Tiên không phải là một điều có thể xảy ra chi trong một đêm” - ông Delury nói. “Điều này cũng đúng với việc phi hạt nhân hóa. Nó là một tiến trình, không phải một sự kiện”.

Ông Kim Jong-un: Chuyện cũ lặp lại

Nhà lãnh đạo Triều Tiên còn đạt được nhiều điều hơn ông Trump. Bằng cái bắt tay với Tổng thống Mỹ, ông đã cho cả thế giới thấy rằng ông và đất nước Triều Tiên đóng một vai trò trong cộng đồng toàn cầu.

Nhà lãnh đạo trẻ cũng đã khiến Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận vốn để chuẩn bị cho khả năng xảy ra giao tranh trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn bị bủa vây bởi các lệnh trừng phạt kinh tế khắt khe mà Washington tỏ rõ là sẽ không nới lỏng chừng nào Bình Nhưỡng chưa có các bước đi cụ thể hơn để chứng minh ý định phi hạt nhân hóa.

Dù có màn xuất hiện hoàn hảo ngay lần đầu bước ra chính trường thế giới, ông Kim cũng không thể lôi kéo được Trung Quốc giúp Triều Tiên giảm bớt các áp lực trừng phạt đó khi Mỹ vẫn tiếp tục chiến lược cô lập ngoại giao cho tới khi Bình Nhưỡng thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa.

Các nhà phân tích cho rằng việc ông Kim đề nghị tổ chức Thượng đỉnh lần 2 với ông Trump và một cuộc gặp Thượng đỉnh với ông Moon Jae-in ở Bình Nhưỡng tuần tới có lẽ là nỗ lực nhằm dỡ bỏ bớt “gông cùm” cho kinh tế Triều Tiên.

“Đó là một cảm giác quen thuộc như đã xảy ra rồi (deja-vu)” – Giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường đại học toàn cầu Handong ở Pohang, Hàn Quốc, ông Park Won-gon nhận định.

Theo ông Park Won-gon, nhà lãnh đạo Kim Jong-un giờ đây ở vị trí giống như khi ông có bài phát biểu Năm mới 2018, trong đó ông bày tỏ ước vọng Hàn Quốc sẽ tổ chức Thế vận hội mùa đông đầu tiên thành công giữa lúc căng thẳng quân sự giữa Triều Tiên và Mỹ leo thang.

Bài phát biểu đó đã mở đường cho Triều Tiên cử phái đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc và khơi dậy tâm trạng phấn chấn giữa 2 miền Triều Tiên để rồi những điểm sáng đó cuối cùng cũng dẫn tới Thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 6/2018.

Ông Moon Jae-in: Đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác

Tổng thống Hàn Quốc đáng được dư luận quốc tế ca ngợi vì đã thể hiện sự cương – nhu đúng lúc để xoa dịu quan hệ nhiều lúc căng như dây đàn giữa Mỹ và Triều Tiên. Xuất thân từ một gia đình gốc Triều Tiên, ông Moon Jae-in sẵn sàng giúp 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đạt được những bước tiến thực chất bởi tin rằng sứ mệnh của ông là trung gian hòa giải giữa Washington và Bình Nhưỡng.

“Giờ đây chúng ta cần những kế hoạch lớn và quyết định táo bạo từ nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ nếu chúng ta muốn tiến tới” - ông Moon nói trong cuộc họp Nội các ngày 11/9. Theo ông, bước tiếp theo là phải “dỡ bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”.

Thế nhưng ông lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác, đó là sự mất tín nhiệm không phanh ở quê nhà vì chuyện tăng lương tối thiểu khá nhiều trong vòng 2 năm liên tiếp. Điều đó làm giới chủ doanh nghiệp không hài lòng còn người lao động bán thời gian thì thiệt thòi vì các doanh nghiệp nhỏ eo hẹp sẽ chọn cách sa thải họ để thuê người thân quen vào làm. Tỷ lệ ủng hộ ông Moon vì thế mà giảm xuống còn 49% trong tuần trước so với mức 83% hồi tháng 5 (theo Gallup Korea).

Ông Moon muốn tiếp tục đóng vai trò trung gian giữa Mỹ và Triều Tiên thì phải giữ được chiếc ghế Tổng thống của mình, mà rõ ràng cử tri Hàn Quốc quan tâm đến vấn đề kinh tế hơn là quan hệ liên Triều.

Ông Tập Cận Bình: Lựa chọn khó khăn

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biến hóa tầm ảnh hưởng của ông bằng 2 cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un trước và sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông Trump đã cáo buộc ông Tập Cận Bình can thiệp vào đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và “pha trộn” vấn đề Triều Tiên với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung như một cách để khiến ông Tập Cận Bình phải lựa chọn.

“Quyết định của ông Tập Cận Bình về việc không dự lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên rõ ràng là có cân nhắc đến Mỹ” - ông Lee Geun, giáo sư quan hệ quốc tế trường đại học quốc gia Seoul, Hàn Quốc, nhận định.

Kể từ Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1, Thủ tướng Nhật Bản cũng đã tìm cách đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un để thảo luận về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt giữ ở Triều Tiên cũng như để giải quyết các vấn đề giữa 2 nước kéo dài nhiều thập kỷ qua.

Nhưng ông Abe không đạt được bất cứ tiến bộ nào.

Các chuyên gia cho rằng Nhật Bản và vấn đề của nước này với Triều Tiên đã bị gạt sang bên lề.

Theo giáo sư Delury, Mỹ cùng Hàn Quốc và Triều Tiên giờ đang chiếm sân khấu chính. Ở sau 3 nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn - Triều nửa bước là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người vẫn đang nỗ lực đeo bám vấn đề gai góc này. Còn Nhật Bản và Nga, dù có nhiều lợi ích và mối quan tâm đối với Triều Tiên, dường như lại bị "gạt ra rìa" trên khía cạnh ngoại giao.

Theo Diệu Hương

VOV