1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

3 ngày sau thảm họa kép tại Indonesia: Khó khăn chồng chất

(Dân trí) - Indonesia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng với rất nhiều khó khăn sau khi thảm họa sóng thần và động đất khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và tàn phá nhiều khu vực tại nước này.

3 ngày sau thảm họa kép tại Indonesia: Khó khăn chồng chất

Sarah Wati bị trúng đạn vào chân khi đứng xem đám đông phá cây rút tiền tự động (Ảnh: New York Times)
Sarah Wati bị trúng đạn vào chân khi đứng xem đám đông phá cây rút tiền tự động (Ảnh: New York Times)

Khi Sarah Wati tới một bệnh viện quân y hôm 1/10 với một vết thương do trúng đạn ở chân, cô nhìn thấy những thi thể nằm chồng chất lên nhau. Chúng bắt đầu có hiện tượng phân hủy.

Sau trận động đất mạnh 7,5 độ Richter và sóng thần cao tới 6m đổ bộ hôm 28/9 khiến hơn 1.200 người chết, thành phố Palu phía đông Indonesia vẫn chìm trong khủng hoảng. Những người dân thiếu lương thực “đỏ mắt” chờ hàng cứu trợ, những đối tượng có súng lùng sục khắp các cửa hàng để hôi của, đám đông tụ tập bao vây sân bay chờ được sơ tán trong khi các tù nhân tìm cách thoát khỏi các nhà tù.

Wati chen lấn trong đám đông đang xô đẩy nhau khi 20 người dùng cuốc phá một cây rút tiền tự động. Gần đó, cảnh sát buộc phải bắn chỉ thiên trước khi nổ súng để giải tán những đối tượng cướp tiền và cả những người hiếu kỳ đứng xem. Wati, 20 tuổi và là mẹ của một đứa trẻ, đã không may bị trúng một viên đạn trong cuộc ẩu đả. Ngay cả khi được phát thuốc điều trị tại bệnh viện, Wati vẫn không thể cầm được nước mắt vì đau đớn và sốc.

Các binh sĩ cầm súng giám sát người dân xếp hàng mua nhiên liệu (Ảnh: New York Times)
Các binh sĩ cầm súng giám sát người dân xếp hàng mua nhiên liệu (Ảnh: New York Times)

3 ngày sau thảm họa kép, thành phố Palu với 380.000 dân vẫn chưa xử lý xong việc nhận dạng các nạn nhân đã chết cũng như việc ổn định cuộc sống cho những người sống sót. Nhiều người vẫn đang bị mắc kẹt bên dưới đống đổ nát của các ngôi nhà.

“Tình hình ở những khu vực bị ảnh hưởng (bởi thảm họa) giống như cơn ác mộng”, Jan Gelfand, người đứng đầu Hội liên hiệp Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liềm Quốc tế, nhận định, đề cập tới sự thiếu hụt về lương thực, nước sạch và nơi ở cho người dân Indonesia hiện nay.

Nỗ lực cứu hộ gặp nhiều khó khăn do không có đủ máy móc hạng nặng để bốc dỡ các đống đổ nát, trong khi lực lượng cảnh sát vẫn mải miết xử lý những đám đông hôi của. Tại những tòa nhà bị đổ sập, đội cứu hộ buộc phải đào bới bằng tay để đưa thi thể các nạn nhân hoặc kéo những người còn sống ra ngoài. Mặc dù Tổng thống Joko Widodo thông báo ông hoan nghênh mọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế dành cho Indonesia, tuy nhiên hàng cứu trợ hiện vẫn chưa đến tay nhiều người dân ở vùng thảm họa.

Các quan chức thuộc cơ quan ứng phó thảm họa Indonesia cảnh báo cảnh tượng tan hoang xuất hiện dọc theo bờ biển miền trung của đảo Sulawesi, đặc biệt ở những vùng xa xôi hẻo lánh. Sự thất bại của hệ thống cảnh báo sóng thần sớm được xác định là một trong những nguyên nhân khiến số người chết tại Indonesia tăng lên khủng khiếp. Và con số này được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng lên.

Đội cứu hộ tìm kiếm thi thể các nạn nhân bên dưới một khách sạn bị đổ sập. (Ảnh: New York Times)
Đội cứu hộ tìm kiếm thi thể các nạn nhân bên dưới một khách sạn bị đổ sập. (Ảnh: New York Times)

Tình trạng sạt lở đất và những con đường bị tàn phá sau động đất khiến lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các ngôi làng. Một nhóm cứu hộ thuộc Hội Chữ Thập Đỏ Indonesia hôm qua 1/10 đã phát hiện thi thể của 36 người ở Sigi, phía nam Palu và các nạn nhân này sẽ được bổ sung vào số liệu thương vong chính thức do chính quyền Indonesia công bố.

Tại Donggala, khu vực đánh cá gần Palu, hàng trăm người đang sống chen chúc bên trong các trại tạm bợ được dựng ở lề đường. Họ phải sống ở đây vì nhà cửa đã bị tàn phá hoặc do lo sợ nguy cơ dư chấn sau động đất.

Nỗ lực khắc phục hậu quả sau thảm họa kép tại Indonesia

Khó khăn chồng chất

Người dân hôi của tại một nhà kho ở Palu sau thảm họa. (Ảnh: Reuters)
Người dân hôi của tại một nhà kho ở Palu sau thảm họa. (Ảnh: Reuters)

Theo ông Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của cơ quan ứng phó thảm họa Indonesia, ít nhất 2.500 ngôi nhà đã bị phá hủy, trong đó có những ngôi nhà bị vùi lấp trong bùn. Ngoài ra, mối lo ngại về các đợt dư chấn vẫn chưa lắng xuống khi trận động đất mạnh 6 độ Richter tiếp tục xảy ra trên đảo Sumba, nơi cách Palu khoảng 1.600km về phía nam, vào sáng nay. Ngay trước khi xảy ra trận động đất ở Sumba, Donggala đã chứng kiến một trận động đất mạnh 5,3 độ Richter.

Vào sáng 1/10, hàng nghìn người dân trong cơn tuyệt vọng đã đổ xô tới sân bay Palu với mong muốn được sơ tán khỏi thành phố tan hoang này. Những đám đông tụ tập trên đường băng đông tới mức một máy bay chở hàng cứu trợ của Không quân Indonesia không thể cất cánh.

Giới chức Indonesia hôm qua thông báo hơn 1.000 tù nhân đã bỏ trốn khỏi 3 nhà tù địa phương, trong đó có một nhà tù bị thiêu cháy. Tuy vậy, các quan chức Bộ Tư pháp Indonesia cho biết việc bắt giữ các tù nhân hiện không phải ưu tiên hàng đầu của lực lượng cảnh sát.

Nhà tù ở Donggala bốc cháy khiến toàn bộ tù nhân thoát ra ngoài. (Ảnh: Instagram)
Nhà tù ở Donggala bốc cháy khiến toàn bộ tù nhân thoát ra ngoài. (Ảnh: Instagram)

Sau thảm họa, nhiều người Indonesia đờ đẫn đi bộ khắp nơi. Họ trèo lên những con đường bị phá hủy để tìm kiếm người thân bị mất tích. Một số khác tới các bệnh viện quân y, nơi biến thành nhà xác tạm thời với hàng đống thi thể được tập kết.

Dọc theo con đường tới Palu, những người ăn xin đã chặn các đầu xe để xin bất kỳ thứ gì có thể xin được, từ nhiên liệu, đồ ăn cho tới nước uống. Ít nhất 2 xe chở hàng viện trợ đã bị các đám đông hỗn loạn bao vây.

“Mùi tử thi nồng nặc trong không khí. Tôi sợ rằng số người chết sẽ còn tăng lên rất nhiều”, Radika Pinto, quản lý tổ chức cứu trợ quốc tế World Vision, nói.

Tại Palu, thành phố ngột ngạt nóng nực ở phía nam đường xích đạo, chính quyền địa phương đang tìm cách xử lý nhanh chóng các thi thể. Một phương án được thực hiện là chôn các thi thể này trong một khu mộ tập thể sau khi lấy mẫu ADN để phục vụ cho việc nhận dạng về sau.

Là một trong những nước có nguy cơ bị ảnh hưởng mạnh nhất của thiên tai, song hệ thống cảnh báo sóng thần ở Indonesia hiện vẫn còn gặp rất nhiều vấn đề. Hệ thống 22 phao được lắp đặt để phát hiện sóng thần tại vùng biển của Indonesia vẫn chưa hoạt động kể từ năm 2012. Vào thời điểm xảy ra thảm họa, người dân ở Donggala không nhận được cảnh báo sóng thần. Còi báo động không kêu. Tin nhắn điện thoại cũng không xuất hiện.

Một số phao cảnh báo sóng thần không hoạt động đã trở thành cột để các tàu đánh cá neo đậu, từ đó làm hỏng các thiết bị cảm biến bên trong.

“Chúng tôi không có nhân lực để giám sát các phao này mặc dù chúng rất đắt. Chúng tôi đang làm hết sức với nguồn lực hạn chế của mình”, Rahmat Triyono, người đứng đầu bộ phận cảnh báo động đất sóng thần tại cơ quan khí tượng học Indonesia, cho biết.

Thi thể các nạn nhân tập kết bên ngoài một bệnh viện ở Palu trước khi được đem đi chôn tập thể. (Ảnh: Reuters)
Thi thể các nạn nhân tập kết bên ngoài một bệnh viện ở Palu trước khi được đem đi chôn tập thể. (Ảnh: Reuters)

Thành Đạt

Theo New York Times