1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sức hủy diệt của sóng thần Indonesia vượt sức tưởng tượng của giới chuyên gia

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã tỏ ra vô cùng bất ngờ trước độ mạnh của sóng thần xảy ra tại thành phố Palu trên đảo Sulawesi của Indonesia cuối tuần trước sau trận động đất mạnh 7,5 độ Richter.


Làng mạc ở Sulawesi bị san phẳng sau động đất, sóng thần. (Ảnh: Reuters)

Làng mạc ở Sulawesi bị san phẳng sau động đất, sóng thần. (Ảnh: Reuters)

Sóng thần nằm ngoài dự đoán

"Chúng tôi dự đoán động đất có thể gây sóng thần, nhưng không lớn như thế. Khi có hiện tượng xảy ra như vậy, chúng tôi có thể phát hiện ra những điều chưa từng quan sát thấy trước đó", Tiến sĩ Jason Patton, một nhà nghiên cứu địa chất thuộc hãng tư vấn Temblor và là giảng viên tại Đại học Humboldt ở California, cho biết.

Trận động đất 7,5 độ Richter tấn công đảo Sulawesi của Indonesia chiều 28/9 và chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ sau, nó kéo các đợt sóng thần cao tới 6m, phá hủy hàng nghìn nhà cửa, khiến hơn 1.200 người thiệt mạng tính đến thời điểm hiện tại.

Sóng thần thường là kết quả của các trận động đất mạnh khi các mảng của vỏ Trái đất dịch chuyển theo chiều dọc theo đường đứt gãy.

Động đất mạnh kéo theo sóng thần tại Indonesia

Năm 2004, trận động đất mạnh 9,1 độ Richter ở Sumatra (Indonesia) đã kéo theo trận sóng thần ở Ấn Độ Dương với các cột sóng cao tới 30m đã khiến hàng triệu người thiệt mạng từ Indonesia đến Nam Phi.

Ngược lại, đứt gãy trong trận động đất hôm 28/9 ở Sulawesi là loại đứt gãy theo chiều ngang, nghĩa là vỏ Trái đất chủ yếu dịch chuyển theo chiều ngang - một loại dịch chuyển hiếm khi gây sóng thần. Tuy nhiên, chuyên gia Patton cho rằng, trong các dịch chuyển đó vẫn có thể xuất hiện các dịch chuyển theo phương dọc và gây xáo trộn nước biển, kéo theo sóng thần.

Một khả năng khác nữa là sóng thần được tạo ra gián tiếp. Sự rung lắc mạnh do động đất có thể kéo theo sạt lở dưới thềm lục địa, làm nước biển dịch chuyển, tạo ra sóng thần.

Ông Patton cho rằng, các yếu tố này có thể kết hợp lại và kéo theo trận sóng thần với sức hủy diệt ngoài mức tưởng tượng ở Sulawesi hôm 28/9. "Chúng tôi thực sự không biết điều gì gây ra trận sóng thần đó cho đến khi nó xảy ra", ông Patton nói.

Ngoài ra, sóng thần cũng có thể là do Palu nằm ở vị trí hẹp của vùng Vịnh, nơi tập trung năng lượng của sóng, làm tăng độ cao của cơn sóng khi nó tới gần bờ.

Việc sóng thần định hình gần Palu khiến người dân ở đây có rất ít thời gian để di chuyển đến nơi an toàn, đặc biệt khi hiệu quả hệ thống cảnh báo sóng thần ở đây còn hạn chế. Tiến sĩ Louise Comfort, một giáo sư tại Đại học Pittsburgh, cho biết Indonesia chỉ sử dụng các thiết bị địa chấn, hệ thống định vị toàn cầu và đồng hồ đo thủy triều để phát hiện sóng thần. Hiệu quả của hệ thống cảnh báo này hạn chế hơn so với hệ thống cảnh báo bằng cảm biến.

Mặt đất hóa lỏng "nuốt chửng" hàng nghìn nhà cửa

Kinh hoàng mặt đất “hóa lỏng” nuốt chửng nhà cửa trong động đất ở Indonesia


Sulawesi bị tàn phá sau động đất, sóng thần. (Ảnh: Reuters)

Sulawesi bị tàn phá sau động đất, sóng thần. (Ảnh: Reuters)

Các hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội cho thấy khoảnh khắc mặt đất ở Sulawesi hóa lỏng thành những dòng bùn lỏng cuốn trôi và nuốt chửng hàng loạt nhà cửa ở đây. Dailymail dẫn nhận định của chuyên gia cho biết, hiện tượng đất hóa lỏng xảy ra khi đất bị bão hòa bởi nước và chịu sức ép do rung chấn từ động đất.

Trận động đất mạnh 7,5 độ Richter tấn công đảo Sulawesi vào chiều 28/9. Giới chức địa phương đã đưa ra cảnh báo sóng thần nhưng đã dỡ bỏ chỉ nửa giờ sau đó, không lâu trước khi trận sóng thần với các đợt sóng cao tới 6m tấn công thành phố Palu trên đảo.

Thảm họa kép động đất, sóng thần ở Sulawesi khiến hơn 1.200 người thiệt mạng. Con số này được dự báo còn tăng tiếp lên hàng nghìn người khi lực lượng cứu hộ tiếp cận các khu vực bị cách ly bởi động đất, sóng thần.


Cảnh đổ nát ở Sulawesi sau thảm họa kép. (Ảnh: Reuters)

Cảnh đổ nát ở Sulawesi sau thảm họa kép. (Ảnh: Reuters)

Minh Phương

Theo NYTimes, Dailymail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm